Những con số biết nói
Với phương châm “Đi làm thuê về làm chủ”, 10 năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã đưa gần 15.000 lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn. Riêng năm 2023, tỉnh có hơn 2.000 lao động xuất cảnh, vượt hơn 500 NLĐ so với chỉ tiêu hàng năm đề ra.
Những đột phá về chính sách của Đồng Tháp không chỉ làm tăng số NLĐ mà còn tiếp cho họ có thêm động lực để tăng tích lũy tiền trong túi, nghề trong tay và tinh thần tiến thân trong đầu thông qua tác phong, công nghệ ở xứ người để về quê nhà lập thân, lập nghiệp. Nhờ đó, đã góp phần giúp Đồng Tháp khẳng định được vị thế: từ địa phương khuất nẻo đã trở thành điểm đến mà nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước săn tìm nguồn lao động chất lượng cao.
NLĐ Đồng Tháp xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: Trung tâm DVVL Đồng Tháp cung cấp.
Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Chương Phi (huyện Cao Lãnh). Ngay khi sang Nhật Bản làm việc, anh đã cụ thế hóa ngọn lửa động lực mà lãnh đạo tỉnh hun đúc: “Đi làm thuê về làm chủ”. Không chỉ làm việc nghiêm túc để tăng thu nhập và tiết kiệm chi tiêu để tích lũy vốn…, anh còn chủ động học tập các chuyên môn cần thiết. Sau gần 4 năm đi làm việc ở Nhật Bản, về nước anh đã cùng gia đình thành lập Công ty TNHH Quang Vinh Food.
“Trăn trở khởi nghiệp tại địa phương trong bối cảnh nông sản thường rơi vào điệp khúc được mùa mất giá, tôi quyết định kinh doanh trái cây, rau củ sấy để nâng tầm giá trị sản phẩm. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm thêm cho NLĐ ở địa phương”, anh Phi chia sẻ.
Anh Phi kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Phong Linh.Công ty của anh Phi tạo cơ hội việc làm cho NLĐ ở huyện Cao Lãnh. Ảnh: Phong Linh
Tương tự, anh Hoàng Đình Hưng (huyện Tam Nông) cũng đã mở cơ sở nuôi và sản xuất yến sào tại thị trấn Tràm Chim. “Thấy Hàn Quốc phát triển sản phẩm từ sâm, tôi nung nấu ý định về quê phát triển nghề yến cho địa phương để vươn tầm. Hiện tại, tôi sở hữu được 3 nhà yến với thu nhập 20 – 30 triệu/tháng”, anh Hưng nói.
Anh Hưng chuẩn bị sản phẩm yến sạch để cung ứng cho thị trường. Ảnh: Phong LinhPhó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng (người thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà cho anh Hưng vào năm 2022. Ảnh: NVCC.
Tiếp tục tìm hiểu, mở rộng thị trường
Ông Nguyễn Phú Hiếu – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Đồng Tháp thông tin, thực hiện tốt vai trò tham mưu và hỗ trợ NLĐ, Trung tâm luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, đặc biệt cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.
“Sự đồng hành của Trung tâm sẽ phần nào hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Với nhiều người lao động từ thời gian đầu khó khăn, các em trở về và thành công, trở thành gương điển hình và cùng Trung tâm phối hợp truyền lửa cho những em tiếp theo” – ông Hiếu nói thêm.
Liên quan đến lĩnh vực này, được biết tại tỉnh Đồng Tháp có 6 Nghị quyết, chủ yếu là các chính sách đặc thù của tỉnh. Đáng chú ý về hỗ trợ không hoàn lại sẽ gồm chi phí học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, chi phí khám sức khỏe và tùy theo thời điểm sẽ dao động từ 5 – 7,5 triệu đồng/người lao động.
Đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tỉnh ban hành chính sách cho vay tín chấp trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với khoảng 100 triệu đồng, tạo điều kiện để NLĐ thoát nghèo, vươn lên lập nghiệp.
Đồng Tháp có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Ảnh: Trung tâm DVVL Đồng Tháp cung cấp.
“Để thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của đơn vị, chúng tôi đã và đang tiếp tục đề xuất và tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp tục hỗ trợ việc tìm hiểu, mở rộng thị trường ở các nước châu Âu, Úc… Tiếp tục tạo điều kiện cho NLĐ có kiến thức, kinh nghiệm để trở về lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Tháp” – ông Phạm Việt Công, Giám đốc Sở Lao Động Thương binh và Xã hội Đồng Tháp nhấn mạnh.