Động lực cho thị trường lao động

Động lực cho thị trường lao động

Biên phòng – Thị trường lao động Việt Nam năm 2024 đã hồi phục sau những cú sốc với hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, giãn việc diễn ra từ năm 2022. 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023.


Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tư vấn cho người lao động những vị trí việc làm phù hợp. Ảnh: baocantho.com.vn

Mặc dù, tình hình kinh tế – xã hội đã khởi sắc hơn, số lao động có việc làm đã tăng đáng kể nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn khá cao (33,4 triệu người), thị trường lao động thiếu bền vững. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27% với 1,06 triệu người thất nghiệp.

Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội cảnh báo, những tháng cuối năm, tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nhu cầu thị trường chưa cao, thiếu ổn định, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao gần 8%, bởi còn khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11% tổng số thanh niên cả nước).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lạc quan khi đưa ra báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố về 116.000 doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động trong năm 2024. Trong khi đó nhu cầu tuyển lao động đại học, trên đại học khoảng 20%.

Đáng lưu ý là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các công ty là đối tác của các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Intel.. tăng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có trình độ, tay nghề, năng động với hàng chục nghìn chỉ tiêu. Nhiều doanh nghiệp trong quá trình cải tổ, chuyển đổi số ngày càng yêu cầu chất lượng lao động cao hơn từ sức khỏe, khả năng tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới, máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất.

Thế nhưng chất lượng lao động cung cho thị trường còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Áp lực này thể hiện qua chỉ số lực lượng lao động đã qua đào tạo ước tính khoảng 14,1 triệu người, chiếm 27%. Cả nước vẫn còn trên 38 triệu lao động chưa qua đào tạo.

Ngoài ra, việc thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch… là những thách thức không nhỏ đặt ra cho thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Điều này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 52,4 triệu người có khả năng lao động, thời kỳ này có thể kéo dài đến năm 2037. Theo nhận định của các chuyên gia dân số, Việt Nam đang có một nguồn cung lao động trẻ khá dồi dào cho thị trường lao động.

Nhưng để thị trường lao động phát triển ổn định, ngành lao động cần sớm giải tỏa những áp lực có thể làm cho thị trường lao động xáo trộn, bất ổn trong năm 2024. Trong đó cần tập trung giảm tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức rất lớn, đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của các chính sách thúc đẩy lao động, việc làm. Đồng thời, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động ngành giữa khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng tương ứng ở khu vực phi nông nghiệp.

Cùng với tăng cường các biện pháp đào tạo lao động chất lượng cao, các địa phương cần ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung – cầu lao động giữa các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Thanh Thảo