Kịp thời tiếp sức, hỗ trợ người dân
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Trần Ngọc Huy ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) quyết định trở về quê hương lập nghiệp, mở xưởng sản xuất tranh gỗ. Việc đầu tư máy móc, thiết bị rất tốn kém khiến anh không còn tiền mua nguyên liệu.
Được cán bộ xã tư vấn, anh đã làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp để mua gỗ về chế tác. Những đồng vốn ban đầu đó đã giúp cơ sở sản xuất tranh gỗ của anh Huy phát triển.
Đến nay, cơ sở đã tạo việc làm cho bốn lao động địa phương, mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm tranh gỗ thủ công mỹ nghệ như: Mã đáo thành công, đốc lịch gỗ của cơ sở đạt sản phẩm OCOP 3 sao, xuất bán thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, xưởng tranh gỗ mang về cho anh Huy khoảng 250 triệu đồng lợi nhuận.
Tại bản Mánh, xã miền núi Bắc Sơn, năm 2016, với 30 triệu đồng được vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình chị Vi Thị May Xúng (người dân tộc Thái) đã mua một cặp bò sinh sản. Năm 2019, sau khi trả xong khoản vay ban đầu, gia đình được vay thêm 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi bò và trồng 18 ha keo cùng 20 triệu đồng cho các cháu đi học.
Từ cặp bò giống ban đầu, nay đàn bò của gia đình đã tăng lên 14 con, vườn keo cũng sắp đến ngày thu hoạch. “Gia đình tôi đang chuẩn bị xây dựng chuồng trại để nuôi thêm dê, tạo thêm nguồn thu nhập, để sớm thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo”, chị Xúng chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Sơn Vi Văn Thoại cho biết, trên địa bàn xã đang có hơn 300 hộ dân vay vốn chính sách xã hội, dư nợ hơn 22 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ người dân được tiếp cận nguồn vốn phù hợp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo.
Thời điểm năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 35% số hộ dân nhưng nay giảm còn khoảng 21%. Nhiều hộ cận nghèo khi được vay vốn đã sử dụng vốn hiệu quả, chăm lo sản xuất, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá của địa phương, điển hình như gia đình chị Lô Thị Đạt, chị Lô Thị Hòa (bản Mánh) thoát nghèo; gia đình chị Sầm Thị Thất (bản Pục Nháo) từ hộ cận nghèo vươn lên thành hộ khá…
Huyện miền núi Quỳ Hợp có 21 xã và thị trấn thì có tới 14 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52%. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp Nguyễn Thanh Hải cho biết: Từ năm 2014 đến nay, đã có 45.685 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn từ ngân hàng, trong đó có 21.885 lượt hộ nghèo, cận nghèo và 1.208 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất.
Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ đạt 753,4 tỷ đồng, tăng 457,6 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, với 12.555 hộ đang còn dư nợ. Kết quả này cho thấy tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 22,05% năm 2014, xuống còn 11,68% cuối năm 2023.
Tại huyện Diễn Châu, năm 2015, với 50 triệu đồng được duyệt vay từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, ông Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn bắt tay xây dựng chuồng trại và mua một cặp hươu giống về nuôi. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, hươu lớn nhanh và sinh sản, tăng nhanh về số lượng.
Có thời điểm, chuồng hươu có đến 16 con. Ngoài bán nhung hươu, gia đình ông cũng trở thành địa chỉ cung cấp hươu giống tin cậy cho người dân. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi hươu được ông dùng để đầu tư ao nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi vụ, bán được từ 2,5-3 tấn tôm thương phẩm. Việc chăn nuôi hươu và tôm mang về cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng/năm, có điều kiện để nuôi các con ăn học.
Thêm một trường hợp khác minh chứng sinh động về hiệu quả của việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là mô hình vườn-ao-chuồng của gia đình anh Dương Văn Khiếu ở Xóm 3, xã Diễn Liên. Là hộ cận nghèo, năm 2019, gia đình anh được vay 50 triệu đồng để đầu tư ao nuôi cá. Sau khi trả xong khoản vay, gia đình anh được vay thêm 100 triệu đồng.
Với số tiền này, gia đình đã đào và mở rộng lên bốn héc-ta ao nuôi cá; trồng thêm các loại cây ăn quả như mít, bưởi, hồng xiêm và nuôi thêm gà, vịt, mỗi năm mang lại lợi nhuận cho gia đình anh hơn 200 triệu đồng. “Nếu ao cá không bị thiệt hại lớn do đợt mưa lũ xảy ra hồi năm 2022 thì gia đình tôi đã thoát được hộ cận nghèo rồi”, anh Khiếu chia sẻ.
Là phòng giao dịch có số dư nợ lớn nhất tỉnh, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu đã cho 53.261 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với doanh số hơn 1.837 tỷ đồng, chiếm 81% tổng doanh số cho vay để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đạt doanh số cho vay hơn 432,2 tỷ đồng. Nhờ đó, trong 10 năm đã có 75.128 lượt hộ có vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, 2.888 hộ xóa được nhà tạm bợ, dột nát, xây dựng được 49.876 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn, gần 24.528 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 3.659 lao động được vay vốn tạo việc làm, 896 người đi xuất khẩu lao động…
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 5,2% năm 2014 xuống còn 1,66% năm 2023.
Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội nhận ủy thác và Ngân hàng Chính sách xã hội, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng hay miền núi, hàng chục nghìn mô hình sinh kế đã được xây dựng, tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ tích cực cho gia đình ông Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp.
Gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Thông qua các tổ chức đoàn thể, Nghệ An hiện có 84 tổ chức hội cấp huyện, 1.744 tổ chức hội cấp xã nhận ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách, quản lý 6.160 tổ tiết kiệm vay vốn tại 3.804 thôn, bản. Bám sát nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nghệ An đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên.
Bí thư Huyện ủy Diễn Châu Hà Xuân Quang chia sẻ: “Diễn Châu là huyện ven biển, có dân số đông, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cao, nhất là nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Chỉ thị số 29 ngày 17/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chúng tôi chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác tín dụng cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả.
Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội cũng là nhiệm vụ được địa phương quan tâm. Dư nợ vốn chính sách trên địa bàn đang gần 1.000 tỷ đồng, trong đó hơn bảy tỷ đồng trích từ ngân sách huyện chuyển sang”.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Nghệ An Trần Khắc Hùng, cho biết: Giai đoạn 2014-2024, đã hơn 726.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trên địa bàn được vay vốn tín dụng chính sách, nhờ đó đã giúp hơn 120.000 gia đình thoát nghèo; hơn 18.000 học sinh, sinh viên được cho vay hỗ trợ tiền đóng học phí.
Bên cạnh đó, gần 49.000 lao động được hỗ trợ vốn để tạo việc làm ổn định từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; khoảng 3.000 lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách được hỗ trợ vốn để đi lao động tại nước ngoài; 56 doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động…, tổng doanh số cho vay đạt 26.779 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 13.063 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các chủ trương lớn này của Ban Bí thư đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách.
Do đó, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, nguồn vốn được bảo toàn và phát triển tốt, vốn vay được người vay sử dụng đúng mục đích cam kết. Hiện nay, toàn bộ 460 chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đều tham gia vào thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, góp phần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, giúp việc triển khai tín dụng chính sách đạt hiệu quả và chất lượng.
Với sự tiếp sức của tín dụng chính sách xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Nghệ An giảm bình quân từ 2-3%/năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,19%, hộ cận nghèo là 5,73%.
Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Nghệ An cho biết, để thực hiện tín dụng chính sách xã hội, cùng với nguồn vốn của Trung ương, tại Nghệ An, ủy ban nhân dân các cấp đã trình hội đồng nhân dân cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay. Đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh bổ sung cho tín dụng chính sách khoảng 303,2 tỷ đồng, tăng 241,7 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 90,6 tỷ đồng, tăng 86,3 tỷ đồng (so với năm 2014).