Nhà phao bằng thùng phy
Huyện Hương Khê là vùng trũng thấp, được ví là “rốn lũ” tại tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi năm, huyện này phải hứng chịu từ 3 – 4 đợt lũ, gây thiết hại nặng nề cho đời sống, xã hội; phá vỡ kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm.
Để sống chung với lũ, bà con nhân dân địa phương này đã xây những ngôi nhà chống lũ với chi phí 50 – 60 triệu đồng. Điểm độc đáo của những ngôi nhà này là chân móng được kết hàn bằng các thùng phy, nước đến đâu, nhà nổi đến đó, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng mỗi khi lũ về.
Nhà phao chống lũ được thiết kế bằng khung thép chịu lực, phía dưới kết hàn bằng các thùng phuy.
Ông Nguyễn Đình Thiện đã có hơn 45 năm sinh sống ở Điền Mỹ nên đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai, lũ lụt.
Theo ông Thiện, những năm trước, mỗi lần nước lũ dâng cao, cả gia đình thấp thỏm đứng ngồi không yên, mở đài phát thanh liên tục để ngóng tin dự báo thời tiết. Nếu mưa liên tục dài ngày, gia đình ông phải di tản con cái, đồ đạc, gia súc, gia cầm đến gửi ở khu vực đất cao để tránh lũ.
Nhà phao thiết kế rất thông minh, có thể di động điều chỉnh lên xuống theo mực nước lũ dâng.
Năm 2023, kinh tế dư dả, ông Thiện đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm nhà phao tránh lũ. Nhà phao được lợp bằng tôn, dựng lên bằng khung sắt và phía dưới đặt hàng chục thùng phuy được gắn kết cố định.
Khi nước lũ về, những thùng phuy này sẽ nổi lên trên mặt nước, đồng nghĩa với việc nhà phao cũng nổi lên. Khi đó tài sản và tính mạng của gia đình sẽ được đảm bảo, có thể an tâm ngồi chờ nước lũ rút.
Mỗi khi lũ về, người dân yên tâm di dời đồ đạc vào nhà phao.
Cũng vừa đầu tư hơn 50 triệu đồng làm nhà phao tránh lũ, chị Đặng Thị Thu Hoài, cùng trú xã Điền Mỹ không nhớ đã bao nhiêu lần cả gia đình chị phải tất tưởi chạy lũ.
Trước đây, khi lũ về cả gia đình đem đồ đạc, tài sản lên gác xép để trú ẩn. Có những năm thủy điện xả lũ kết hợp mưa lớn dồn dập khiến lũ dâng nhanh, tài sản không kịp di dời, gia đình chị thiệt hại rất nặng.
Riêng người, phải cầu cứu lực lượng cứu hộ đem thuyền đến chở, đưa ra các nhà cao tầng cách xã Điền Mỹ 5 – 6 cây số.
Cách đây hơn 1 năm, việc chạy lũ nguy hiểm và bất tiện nên chị Hoài bàn với các thành viên trong gia đình làm nhà phao. Từ đó đến nay, gia đình chị có thể an tâm ngồi trên nhà phao chờ nước rút, không còn lo thiệt hại về người và tài sản.
Nhà phao tránh lũ được lấy ý tưởng từ những chiếc lồng bè nuôi trồng thủy sản nên nước dâng đến đâu nhà sẽ nổi đến đó. Bình quân mỗi nhà phao, bè phao có thể chứa được tổng trọng lượng khoảng 6 tấn.
Ông Trần Tiến Chương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Điền Mỹ cho biết, đến nay, toàn xã có trên 60 hộ dân làm nhà phao và 200 hộ có bè phao tránh lũ. Đây là sáng kiến tuyệt vời bởi kinh phí xây dựng không nhiều nhưng đảm bảo an toàn về người và tài sản khi mùa mưa lũ về.
Nhà văn hoá cộng đồng tránh lũ
Thôn Sơn Trình (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) là vùng sâu trũng, nằm dọc hai bên sông Rào Cái, hạ du Hồ Kẻ Gỗ nên nơi đây đến mùa mưa lũ đều bị ngập sâu và cô lập. Trận lũ lịch sử năm 2020, thôn Sơn Trình chìm trong biển nước. Địa phương đã kêu gọi xã hội hóa hơn 2 tỷ đồng xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.
Nhà văn hóa cộng đồng của thôn Sơn Trình gồm 2 tầng: Tầng 1 hoạt động thể thao, giải trí; tầng 2 dùng sinh hoạt cộng đồng, có bếp ăn, khu vệ sinh. Trong điều kiện bình thường, nhà văn hóa đáp ứng các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Khi có thiên tai, lũ lụt, tầng 1 dùng để chứa gia súc, gia cầm; tầng 2 là nơi 100 người dân tránh trú.
Nhà văn hoá cộng đồng là nơi tránh lũ tập trung cho bà con nhân dân.
Đến nay, Hà Tĩnh đã huy động xã hội hóa gần 667 tỷ đồng xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, phát huy hiệu quả phòng tránh thiên tai. Những ngôi nhà văn hóa cộng đồng 2 tầng khang trang được đầu tư xây dựng ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị lũ lụt. Đây được xem là “ngôi nhà chung” của người dân mỗi khi bão lũ đến.
Trong mưa lũ, người dân được di dời đến nhà văn hóa cộng đồng ngoài đảm bảo an toàn còn rất thuận lợi cho cơ quan chức năng tiếp tế nhu yếu phẩm.
Xã Quang Vĩnh là một trong các xã ngoài đê của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh với tổng 89 hộ dân. Hằng năm, các họ dân ở đây chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, lũ lụt bởi nằm ở hạ nguồn sông La và sông Lam. Riêng thôn Tiền Phong, có 24 hộ dân chủ yếu sinh sống trên thuyền, không có đất ở, mưu sinh trên dòng sông Lam bằng nghề vận chuyển hàng hóa và đánh bắt cá. Đời sống vô cùng khó khăn, các thế hệ con em ở đây không có đủ điều kiện để đến trường.
24 ngôi nhà tránh lũ được xây dựng cho các hộ dân thôn Tiên Phong.
Tháng 3/2022, 24 ngôi nhà cho các hộ dân thôn Tiền Phong đã được khởi công từ nguồn xã hội hóa do các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ. Các hạng mục công trình gồm: Tuyến đường dài 350m kèm theo mương thoát nước dọc và hệ thống cấp điện hoàn chỉnh; 24 căn nhà liền kề, mỗi căn có diện tích mặt bằng mỗi sàn 56 m2, thiết kế theo kiến trúc nhà chống lũ hai tầng.
Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt trong năm 2020 đã xảy ra 02 trận lũ lịch sử liên tiếp vào tháng 10 đã làm cho hơn 4.000 ngôi nhà bị hư hỏng; 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều công trình hạ tầng kinh tế bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại lên đến trên 5.300 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU – Nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”; với nhiệm vụ trọng tâm là “Huy động nguồn lực, sức lao động của Nhân dân, nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho Nhân dân”.
Tác giả: Bùi Thị Ngân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn