Theo một báo cáo của Moody’s Investors Service, doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc dự kiến tiếp tục giảm trong năm nay và sự yếu kém trong thị trường nhà ở sẽ làm trầm trọng thêm áp lực nợ đối với chính quyền địa phương và các ngân hàng có sức khỏe tài chính yếu hơn.
Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s mới đây đã đưa ra dự đoán rằng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đại lục sẽ vẫn yếu trong năm nay, với những tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của chính quyền địa phương.
“Dự đoán cơ bản của chúng tôi là sự yếu kém của thị trường bất động sản sẽ kéo dài vào năm 2023 và đóng góp của ngành này cho nền kinh tế sẽ vẫn thấp hơn đáng kể trong vài năm tới so với những gì diễn ra trong thập kỷ trước”, Martin Petch, phó chủ tịch kiêm nhân viên tín dụng cấp cao của Moody’s cho biết.
Doanh số bán nhà và giá giảm kéo dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương. Điều đó sẽ gây thêm áp lực lên các chính quyền địa phương, vốn đã chứng kiến các khoản nợ tăng 15% lên 35.000 tỷ nhân dân tệ (5.120 tỷ USD) vào năm ngoái, theo dữ liệu do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố vào tháng 1.
Các ngân hàng có sức khỏe tài chính yếu hơn cũng phải đối mặt với các khoản vay liên quan đến tài sản, và mặc dù điều này không có khả năng gây ra các vấn đề về hệ thống ngân hàng, nhưng chính quyền trung ương có thể cần hỗ trợ nhiều hơn, Moody’s cho biết.
Petch chia sẻ: “Trung Quốc sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi khó khăn vì lĩnh vực bất động sản khó có thể lấy lại vai trò là động lực tăng trưởng chính. Những rủi ro này có thể còn lớn hơn bởi những sai lầm trong chính sách và sẽ làm tăng nợ khu vực công. Theo kịch bản tiêu cực của chúng tôi, chi phí giải quyết các vấn đề có thể tương đối lớn”.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc, doanh số bán đất chiếm hơn 40% doanh thu của chính phủ Trung Quốc kể từ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị các lô đất được bán trong năm ngoái chỉ đạt 4.700 tỷ nhân dân tệ, giảm 31% so với năm 2021, theo dữ liệu từ CRIC, một công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại Thượng Hải.
Các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc như China Evergrande Group, China Fortune Land Development và những công ty khác đã vỡ nợ và từ bỏ các dự án sau khi chính sách “ba lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh được đưa ra vào tháng 8/2020 nhằm mục đích kiềm chế tình trạng lạm dụng đòn bẩy tài chính.
Bắc Kinh sau đó đã nới lỏng chính sách, công bố gói hỗ trợ vào tháng 11 năm ngoái mang tên “ba mũi tên” – tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu và tài trợ vốn cổ phần – cùng với các biện pháp nhằm thúc đẩy doanh số bán nhà.
Louis Tse Ming-kwong, giám đốc điều hành của Wealthy Securities cho biết: “Sự thay đổi trong chính sách của chính phủ và việc nới lỏng chính sách Zero-Covid sẽ hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và giúp ngành này hoạt động tốt hơn trong năm nay so với hai năm trước.
Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian để thị trường bất động sản phục hồi hoàn toàn. Có khả năng chính quyền trung ương sẽ công bố nhiều biện pháp hỗ trợ hơn trong các cuộc họp chính sách quan trọng vào tháng 3”.
Các biện pháp giải cứu vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ tại các nhà phát triển lớn như Times China Holdings, công ty đã tuyên bố vỡ nợ đối với các khoản vay trái phiếu bằng USD vào tháng Giêng.
Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán nhà ở vẫn yếu, với giá nhà ở Trung Quốc đại lục đã giảm tháng thứ 16 liên tiếp trong tháng 12/2022. Theo CRIC, doanh thu theo hợp đồng của 100 nhà phát triển hàng đầu Trung Quốc trong năm 2022 đạt mức 354,3 tỷ nhân dân tệ, giảm 32,5% so với một năm trước đó.
Trước đó, Moody’s dự báo doanh số bán bất động sản sẽ giảm từ 10% đến 15% vào cuối năm 2023, trong khi cơ quan xếp hạng khác là S&P dự kiến tổng giá trị doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 12.500 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.