Muốn đủ người phải “đặt hàng” từ trước
Hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng khu xưởng của Công ty TNHH may mặc Song Ngọc (TPHCM) ngày nào cũng tất bật tiếng máy may, tiếng công nhân í ới nhau hoàn thành những đơn hàng cho kịp tiến độ cuối năm.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho hay lượng đơn hàng trong năm nay rất dồi dào, đặc biệt vào quý 4. Nhờ vậy, người lao động tại nhà máy cơ bản được đảm bảo về thu nhập.
Nhiều doanh nghiệp ráo riết tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng dồi dào cuối năm (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Để đáp ứng hoạt động sản xuất trong năm nay, ông Sơn chia sẻ công ty cần tuyển thêm số lượng lớn công nhân. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng lại gặp nhiều thách thức.
Đầu năm nay, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc dự định mở rộng 4 chuyền sản xuất nhưng phải hủy bỏ 2 chuyền vì không tuyển được người.
“Công ty gọi điện cho người lao động mời đi làm trở lại nhưng hầu hết lắc đầu, muốn ở nhà thêm một thời gian nữa để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người thậm chí nói thẳng sẽ đi làm lại nếu công ty không ký hợp đồng”, ông Sơn nói.
Để lôi kéo người lao động “đầu quân” cho nhà máy, công ty phải nhờ đến nhiều mối quan hệ.
“Chúng tôi chi nhiều tiền, quảng cáo cỡ nào cũng không đủ sức tin tưởng bằng lời giới thiệu của công nhân đang làm việc tại đây. Nhờ nỗ lực ấy, chúng tôi đã tuyển được 30 người, đủ số lượng để mở 1 chuyền sau Tết.
Các công nhân này phần lớn đang làm việc ở nơi khác hoặc đang ở quê, dự định sau Tết sẽ bắt đầu làm việc tại nhà máy của chúng tôi”, ông Sơn chia sẻ.
Sau Tết Nguyên đán 2025, công ty dự định tuyển thêm 100 công nhân. Những nhân sự mới sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng cho chi phí đi lại, 2 tháng lương đầu mỗi tháng được tặng thêm 3 triệu đồng.
“Thời điểm này năm ngoái, người lao động nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Vậy nên bây giờ là thời điểm thích hợp để chúng tôi “trải thảm”, đón họ quay trở lại”, ông Sơn cho hay.
Ngày càng khó tuyển dụng
Theo Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH may mặc Song Ngọc, tâm lý của người lao động trên thị trường ngày càng khó đoán và thay đổi liên tục. Điều này buộc các doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị thâm dụng lao động, phải thay đổi theo nếu muốn tuyển và giữ chân người có tay nghề cao.
“Hiện tại, các tỉnh hầu như đã có khu công nghiệp. Long An và Đồng Nai cũng trở thành 2 “đầu cầu” thu hút lao động. Trong khi đó, TPHCM lại gặp nhiều thách thức vì đời sống đắt đỏ, môi trường khói bụi, không gian sống ngột ngạt. Điều này làm giảm độ hấp dẫn với người lao động so với trước.
Vậy nên, doanh nghiệp phải xây dựng môi trường làm việc tốt, đảm bảo thu nhập đáp ứng đời sống sinh hoạt cho người lao động thì mới mong tuyển đủ người”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tâm lý người lao động ngày càng thay đổi, khiến doanh nghiệp phải thay đổi theo (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).
Ngay từ lâu, công ty đã áp dụng cho người lao động hưởng thu nhập dựa trên năng suất làm việc. Nghĩa là những ai chăm chỉ, tay nghề và năng suất cao sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
“Những lao động giỏi, năng suất cao nên họ rất thích hưởng lương dựa trên sản phẩm. Còn nhóm nhân sự chỉ làm tàn tàn, hết giờ rồi về, cuối tháng nhận lương sẽ thấy sự khác biệt với đồng nghiệp. Từ đó, họ sẽ nỗ lực hơn. Nhờ vậy, 80% công nhân tại nhà máy đều là thợ may giỏi, có thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng, cao nhất hơn 20 triệu đồng”, ông Sơn khẳng định.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony, cho hay từ cuối tháng 10, đơn vị đã tuyển thêm lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
“Thời gian qua, lao động tại nhà máy rất ổn định, thu nhập 15 triệu đến hơn 20 triệu đồng/người/tháng, một phần nhờ áp dụng hưởng lương dựa trên năng suất. Chúng tôi còn đảm bảo cơ chế làm việc thông thoáng, chẳng hạn như cho phép công nhân đi làm trễ nếu có việc riêng, cho đi đón con rồi quay về làm việc tiếp…
Nhà máy cũng định hướng không tuyển quá nhiều người mà tập trung giữ chân nhân công giỏi. Chúng tôi nhận thấy sau giai đoạn Covid-19, thị trường lao động thay đổi rõ rệt. Những người giỏi hầu như sẽ chọn ở lại gắn bó với thành phố, lao động chưa phù hợp sẽ chọn về quê”, ông Quang Anh nói.
Ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, thị trường lao động của thành phố trong 9 tháng đầu năm phát triển tích cực, phù hợp với xu hướng kinh tế.
Dự báo, trong 3 tháng cuối năm 2024, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng, cần khoảng 78.000-83.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành công nghiệp, công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản.
Đáng chú ý, doanh nghiệp sẽ có xu hướng ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán – kiểm toán, marketing,…
Theo ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các Khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX – CN) TPHCM, chỉ tính riêng các doanh nghiệp KCX-KCN tại thành phố, nhu cầu tuyển dụng đã là 7.392 người.
Phần lớn, các doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng lao động phổ thông. Đối với lao động có trình độ đại học trở lên, nhu cầu chỉ tập trung ở các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao.
“Thành phố hiện có 17 KCX-KCN với 252.131 người. Trong đó, lao động từ các tỉnh, thành khác chiếm 71,5%. Vì thế, nhu cầu về nhà ở, giáo dục, y tế… là rất lớn. Doanh nghiệp phải đảm bảo trước hết về tiền lương cho người lao động, sau đó tính đến các nhu cầu sống như nhà lưu trú, nhà trẻ, chính sách chăm sóc sức khỏe…”, ông Hiếu nói.