Doanh nghiệp phát hành phải thực sự có thiện chí đàm phán vớ…

Doanh nghiệp phát hành phải thực sự có thiện chí đàm phán vớ…

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, về dài hạn, để Nghị định 08/2023/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có phương án gia hạn hợp lý hoặc trả bằng tài sản khác; tôn trọng và đảm bảo được quyền lợi của trái chủ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Để hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Nghị định số sửa đổi, bổ sung này, Cafeland đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đâu là những điểm đáng lưu ý nhất, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Ngày 05/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong đó, đáng lưu ý là quy định về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán. Cụ thể:

Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Quy định trên đã được Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu kéo dài thời hạn của trái phiếu thêm tối đa 2 năm. Trong trường hợp trái chủ không đồng ý thay đổi này, doanh nghiệp “phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư”.

Nếu quá trình đàm phán vẫn không đạt kết quả như mong đợi, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với trái chủ theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố.

Với trái phiếu chào bán trong nước, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán đầy đủ và đúng hạn nợ gốc, lãi bằng tiền đồng theo phương án công bố trước đó thì có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán bằng những tài sản khác. Điều này cần đảm bảo nguyên tắc là trái chủ chấp thuận và doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường, chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán.

Ngoài ra, tại Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm:

– Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP).

– Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

– Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP).

Về mặt tích cực, theo Luật sư, những điểm mới trong Nghị định sửa đổi có tác động cụ thể như thế nào đối với doanh nghiệp phát hành nhất là khi các doanh nghiệp đang phải trả qua thời kỳ khó khăn do áp lực đáo hạn trái phiếu?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Điểm tích cực tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP là cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm, ngừng quy định xếp hạng tín nhiệm đơn vị phát hành và người mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp,… Các quy định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại, doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn.

Đồng thời, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tạo cơ sở cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi trái phiếu lấy tài sản khác một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này.

Ngoài ra, việc hoãn thực hiện xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư chuyên nghiệp cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.

Đây chỉ là phương án tạm thời nhằm giãn tiến độ gỡ khó cho thị trường trong thời điểm khó khăn như hiện tại, còn về lâu dài chắc chắn sẽ phải triển khai thực hiện xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư chuyên nghiệp từ đó mới giúp cho thị trường trái phiếu được minh bạch hơn.

Với Nghị định mới, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thêm những trách nhiệm nào, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trước đây, theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, chỉ quy định rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Tại Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã bổ sung quy định, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau đây:

– Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.

– Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

– Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Theo dự đoán của Luật sư, sự ra đời của Nghị định 08 này có khiến thị trường trái phiếu hồi sinh và tiếp tục sôi động trở lại?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nghị định 08/2023/NĐ-CP với nhiều điểm tích cực được kỳ vọng sẽ là giải pháp thích ứng nhằm củng cố niềm tin và kêu gọi các nhà đầu tư, nhà phát hành quay trở lại thị trường trái phiếu.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các giải pháp ngắn hạn nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024.

Về dài hạn, để Nghị định 08/2023/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có phương án gia hạn hợp lý hoặc trả bằng tài sản khác; tôn trọng và đảm bảo được quyền lợi của trái chủ.

Bởi lẽ sau những ‘sóng gió” vừa qua hẳn các nhà đầu tư đã rút ra được bài học rất lớn trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và để lấy lại niềm tin của họ thì thị trường và các doanh nghiệp còn cần rất nhiều thời gian.