Sinh viên Trường đại học Tài chính – Marketing tham gia các chương trình gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp trước khi thực tập – Ảnh: NAM NGUYỄN
Ông D. – bộ phận marketing của một nhà xuất bản tại TP.HCM – cho biết đầu tháng 1-2024 bộ phận này tiếp nhận được một thực tập sinh đang là sinh viên năm 2 tại một trường đại học công lập trên địa bàn. Đây không phải là đợt thực tập chính thức của trường, mà do yêu cầu khối lượng công việc, phòng tuyển thực tập sinh trong 3 tháng.
Công việc không có “lương cứng”, nhưng sinh viên sẽ được tiền hỗ trợ dựa trên tổng số sản phẩm như bài đăng, video trên website, Facebook… mà các bạn thực hiện.
Ra đi không một lời
Ông D. kể bạn này thực tập thời gian đầu khá tốt, các sản phẩm luôn đúng deadline. Thấy bạn làm việc năng suất, trưởng phòng “lì xì” thêm cho bạn một khoản tiền Tết. Tuy nhiên, bất ngờ là sau Tết, bạn biệt tăm; email, nhắn tin, gọi điện bạn không trả lời.
Sau hơn 2 tuần không thể liên lạc, phòng xác định bạn sinh viên đã một đi không trở lại. “Dù không thiệt hại gì nhưng chúng tôi cảm thấy hơi sốc vì thái độ của sinh viên thực tập này”, ông D. nói.
Không chỉ câu chuyện tại công ty trên, nhiều đơn vị cho biết hiện cảm thấy khá “khó hiểu” với một số thực tập sinh gen Z vào đơn vị mình. Đặc biệt, bộ phận nhân sự một số công ty đặt dấu hỏi về thái độ của sinh viên khi đi thực tập.
Qua những đợt tuyển thực tập sinh, ông Đỗ Nam Thắng, bộ phận nhân sự của Công ty Pinaco, nhận thấy lợi thế lớn nhất của sinh viên gen Z là khả năng tiếp cận công nghệ và tiếng Anh đa phần vượt trội hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Các bạn nhanh nhẹn, nắm bắt vấn đề nhanh chóng.
Tuy nhiên, thái độ làm việc của nhiều bạn rất cần cải thiện. Chẳng hạn, ông Thắng cho biết nhiều sinh viên thực tập rất… nghiện điện thoại. Một số bạn hễ có thời gian là cầm điện thoại; đi cầu thang, giờ ăn cơm… cũng chúi mũi vô điện thoại. Nhiều bạn giao tiếp khá kém, không chào hỏi các anh chị lớn.
“Thậm chí từng có trường hợp khi bị anh chị góp ý công việc, có bạn khó chịu bỏ về nhà luôn”, ông Thắng nói.
Ông Huỳnh Văn Hòa Hiệp, CEO của Công ty AIVision, khá băn khoăn về nhiệt huyết cống hiến của một số bạn thực tập sinh ngày nay. Ông Hiệp cho rằng khả năng chuyên môn của các sinh viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay đã phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, ông tự hỏi không biết có phải vì thế mà nhiều bạn dù đi thực tập tại một công ty, được công ty ấy đào tạo, nhưng các bạn này vẫn thường “săn tìm” các cơ hội ở những doanh nghiệp khác.
Tăng cường thái độ, kỹ năng cho sinh viên
TS Nguyễn Thanh Phương – trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành – cho rằng hiện nay sinh viên có rất nhiều điều kiện để tiếp cận với thông tin và cơ hội việc làm, dẫn đến một số bạn khá “kén chọn” nơi thực tập.
Ngoài ra, cũng do có nhiều sự lựa chọn, một số bạn không xem thực tập là con đường duy nhất để có việc làm sau tốt nghiệp, nên đôi lúc một vài bạn có thể không hết mình.
Về phía các trường đại học, TS Nguyễn Thanh Phương cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sinh viên khi tham gia những đợt thực tập. Chẳng hạn, ngay từ năm nhất, sinh viên nên được tham gia nhiều hơn vào các chương trình giao lưu với đại diện các doanh nghiệp, được tham quan trực tiếp đến các doanh nghiệp, tham gia những ngày hội việc làm…
Từ đó, sinh viên năm nhất sẽ sớm biết những gì doanh nghiệp đang cần và mình sẽ phải chuẩn bị những gì. “Đặc biệt, các giảng viên cần luôn nhắc nhở sinh viên về xây dựng một thái độ tốt khi làm việc bởi đây là yếu tố được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu”, ông Phương nói.
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính – Marketing, cho rằng sinh viên nên được chú trọng bổ sung các chương trình trang bị kỹ năng mềm khi làm việc nói chung và những kỹ năng mềm tương ứng với ngành nghề riêng của các em.
Ví dụ, sinh viên nào cũng nên được trường trang bị những kỹ năng chung như kỹ năng viết CV, kỹ năng trả lời phỏng vấn tuyển dụng, sau đó tùy từng chuyên ngành của các em như quản trị kinh doanh, nhà hàng khách sạn… mà các em sẽ được trang bị thêm những bộ kỹ năng riêng.
“Sinh viên cũng có thể tự trang bị những kỹ năng này cho mình thông qua các hoạt động sinh viên, hoạt động câu lạc bộ trong những năm học tại trường đại học”, ông Châu nói.
Doanh nghiệp cần thay đổi khi nhận thực tập sinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng bộ phận đào tạo của một tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn cho rằng sự khác biệt giữa các thế hệ thực tập sinh khiến tập đoàn của ông hiện phải khéo léo thay đổi một số quan điểm thay vì cứng nhắc bắt thực tập sinh phải thay đổi.
Ông ví dụ trước đây thực tập sinh không có lương. Thời gian thực tập chỉ khoảng 2-3 tháng. Nhưng hiện nay tập đoàn gia tăng phúc lợi cho các bạn, được lương và một số khoản trợ cấp khi thực tập. Thời gian thực tập cũng được mở rộng theo hướng linh hoạt, có thể thực tập đến 1 năm kèm theo các điều khoản trở thành nhân viên chính thức. Theo ông, vì tập đoàn cũng cần thực tập sinh chứ không chỉ thực tập sinh cần tập đoàn, nên cả hai đều cần có một số điều chỉnh.
Ảnh hưởng từ mạng xã hội
TS Phạm Duy Hiếu – trưởng bộ môn marketing Trường đại học quốc tế Hồng Bàng – cho rằng gen Z là thế hệ trưởng thành cùng với mạng xã hội, từ Facebook, Twitter, YouTube cho đến Instagram, TikTok… Do vậy, nhiều quan điểm và tư duy của các bạn cũng được định hình từ những nội dung tiếp cận với mạng xã hội.
Theo ông Hiếu, một bộ phận sinh viên khá “ảo tưởng” về năng lực của mình cũng là vì những nội dung trên mạng xã hội. Chẳng hạn, các video về những ngành học kiếm được 20-30 triệu sau khi tốt nghiệp, về cách kiếm được tiền trăm triệu, tiền tỉ… khiến không ít bạn lầm tưởng thị trường lao động ngoài đời cũng như trên mạng.