Đại diện sở, ngành TP HCM đề xuất tăng thời gian và mức hỗ trợ học nghề để người thất nghiệp thêm kỹ năng mới, chuyển đổi công việc khi sửa đổi Luật Việc làm.
Nội dung được các đại biểu nêu tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn thành phố, chiều 13/9. Theo quy định, khi thất nghiệp, ngoài khoản trợ cấp từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động còn được đào tạo nghề miễn phí. Mức hỗ trợ học nghề tối đa là 1,5 triệu đồng mỗi tháng, thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng. Số tiền này được cơ quan quản lý quỹ là Bảo hiểm xã hội chuyển cho cơ sở đào tạo nghề.
Người lao động làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, nói hiện nay chính sách thất nghiệp đang nặng về giải quyết trợ cấp mà không chú trọng đào tạo việc làm, kỹ năng mới cho người lao động. Mức hỗ trợ thấp, thời gian đào tạo ngắn người lao động không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên, những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn. Các trường nghề cũng không mặn mà vì khó lên được chương trình chuyên sâu. “Rất ít người lao động muốn học nghề”, bà Nguyệt Ánh nói.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP HCM, từ năm 2020 đến tháng 6/2024, ngành chức năng đã giải quyết cho 675.386 người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 9.176 người học nghề, chiếm 1,36%.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng chính sách hỗ trợ học nghề cần được thay đổi theo hướng tăng mức hỗ trợ lên trên 1,5 triệu đồng mỗi tháng và thời gian học nghề nhiều hơn 6 tháng. Điều này sẽ hấp dẫn người thất nghiệp, giúp họ có được kỹ năng mới để đáp ứng các yêu cầu thị trường. Ngoài ra, trong thời gian học nghề, người lao động cần được hỗ trợ thêm các chi phí khác như đi lại, sinh hoạt phí…
Tương tự, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho rằng thời gian và mức hỗ trợ học nghề cần được xây dựng theo yêu cầu mới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công việc, kỹ năng mới xuất hiện. Doanh nghiệp cần người nên tham gia đào tạo và hỗ trợ thêm cho người lao động một số chi phí khác để an tâm học nghề. Sau khi học xong, doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề đã đào tạo cho họ.
“Khi thấy đơn vị mới nhận việc, người lao động sẽ chịu học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp, nhằm giảm tỷ lệ người thất nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”, ông Trung nói.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, tại hội nghị chiều 13/9. Ảnh: An Phương
Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, hiện có 7 cơ sở đào tạo nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với hơn 130 ngành nghề. Trong 7 tháng đầu năm, có 867 người có quyết định hỗ trợ học nghề và đăng ký học nghề thuộc 54 nhóm ngành, nhiều nhất là đào tạo lái xe hạng B2, tin học ứng dụng, nấu ăn, cắt may thời trang, kỹ thuật vẽ móng.
Bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng bên cạnh một số lao động cần được hỗ trợ để thay đổi kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thì nhiều người thất nghiệp không muốn học nghề mà chỉ muốn hưởng trợ cấp.
“Nhiều lao động có trình độ nghỉ việc hưởng trợ cấp và xem như thời gian để nghỉ ngơi”, bà Tới nói. Ngoài ra, nhiều người nghỉ hẳn để chuyển sang lao động phi chính thức như chạy xe ôm công nghệ, giao hàng… Với nhóm này giới thiệu việc mới cũng không nhận và hướng dẫn học nghề cũng từ chối.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng ở lần sửa Luật Việc làm này cần chú ý đến các tình huống này để pháp luật có sự điều chỉnh. Mục tiêu cuối cùng là sự hỗ trợ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến đúng người mất việc, cần thay đổi kỹ năng để sớm quay lại với thị trường.
Luật Việc làm 2013 có hiệu lực ngày 1/1/2015. Luật này quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.
Sau gần 10 năm thực thi, tháng 3 vừa rồi, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi bắt đầu được lấy ý kiến rộng rãi, trong đó nhiều nội dung được quan tâm, gồm: mở rộng nhóm tham gia bảo hiểm thất nghiệp, linh hoạt mức đóng và sửa đổi chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người thất nghiệp.
Lê Tuyết