Thanh niên nghe tư vấn tiền lương, việc làm từ nhà tuyển dụng tại Hà Nội – Ảnh: HÀ QUÂN
Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của hai chuyên gia là ThS Lê Quỳnh Trang (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Thảo (cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu kinh tế và chính sách Hathaway Pocliy) về vấn đề này:
Là bệ đỡ chia sẻ rủi ro mất việc làm, bù đắp sụt giảm thu nhập cho người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp xuất hiện từ năm 2009 được coi là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, hiện đại.
Đặc biệt, khi các cú sốc bất ngờ với ảnh hưởng lớn xảy ra, bảo hiểm thất nghiệp góp phần đảm bảo thu nhập, tiêu dùng cho người lao động, đồng thời giữ gìn sự ổn định và thúc đẩy thị trường lao động, nền kinh tế phát triển.
Đề xuất người đơn phương nghỉ việc không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Trải qua hơn 10 năm triển khai, nội dung bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm 2013, một mặt thực hiện khá tốt vai trò, nhưng mặt khác đặt ra yêu cầu cập nhật và phát triển.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được xem xét và thông qua vào năm 2025 kỳ vọng giúp bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò bảo vệ người lao động cũng như thị trường lao động.
Song các nội dung điều chỉnh đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp, khi đứng ở góc nhìn đa chiều, có thể xem là một hạn chế so với Luật Việc làm 2013.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ trường hợp đặc biệt.
Điều chỉnh này có thể được lý giải rằng “chủ động nghỉ việc” là hành động chủ động, có cân nhắc, không thể được xem là rủi ro mất việc. Do vậy, không được hưởng các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp.
Về quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp, việc thu hẹp đối tượng góp phần hạn chế nguy cơ người lao động đơn phương nghỉ việc thiếu thận trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở góc nhìn khác đồng cảm hơn, nguyên nhân phổ biến khiến người lao động đang có việc làm, thu nhập ổn định quyết định nghỉ việc có thể là mức lương chưa thỏa đáng, không đủ để trang trải cuộc sống; môi trường làm việc không đảm bảo, không lành mạnh, triệt tiêu động lực làm việc.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân như công việc không phù hợp với nguyện vọng, thế mạnh hay ít triển vọng thăng tiến, mong muốn học tập nâng cao tay nghề…
Nói cách khác, khi thị trường lao động phát triển, một bộ phận người lao động sẽ cân nhắc đánh đổi giữa sự sụt giảm thu nhập hiện tại cho cơ hội phát triển trong tương lai để ra quyết định nghỉ việc.
Quyết định này còn gắn với nguồn thu nhập chính của gia đình. Nếu nguyên nhân nghỉ thuộc các lý do nêu trên hoặc tương tự, việc người lao động tự tin, chủ động nghỉ việc và được bảo hiểm thất nghiệp bảo vệ sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường lao động – việc làm.
Ngược lại, khi không có bệ đỡ từ bảo hiểm thất nghiệp, áp lực cuộc sống có thể buộc người lao động phải từ bỏ cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai, chấp nhận công việc không thực sự phù hợp, cơ hội thăng tiến hạn chế để giữ nguồn thu nhập thường xuyên.
Như vậy, việc thu hẹp đối tượng người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhìn về tổng thể, đã phần nào kìm hãm tính ưu việt trong phân bổ hiệu quả việc làm và thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển của bảo hiểm thất nghiệp.
Hai chuyên gia (từ trái sang): Lê Quỳnh Trang (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Thảo (Hathaway Policy) – Ảnh: NVCC
Mũi tên giải pháp cần trúng nhiều đích
Việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình sửa đổi Luật Việc làm cần thiết kế theo hướng linh hoạt và bao phủ hơn, cụ thể:
Thứ nhất, không thu hẹp độ bao phủ của trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động tự nguyện nghỉ việc. Thay vào đó, cần phân nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp.
Thứ hai, tiêu chí phân nhóm đối tượng người lao động được hưởng chế độ của bảo hiểm thất nghiệp có thể căn cứ trên lý do mất việc của người lao động. Đó là người lao động bị buộc thôi việc hoặc tự nguyện nghỉ việc.
Thứ ba, thiết kế công cụ chính sách phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau, như người lao động tự nguyện nghỉ việc sẽ được hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp khác so với lao động bị mất việc.
Ví dụ, tỉ lệ chi trả trợ cấp thất nghiệp theo mức đóng góp thấp hơn; tăng số lần trình diện tại Trung tâm dịch vụ việc làm; giảm số lần được phép từ chối việc làm được giới thiệu. Ngoài ra, luật có thể yêu cầu người lao động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề chi tiết, cập nhật tiến độ thường xuyên và xuất trình bằng chứng cụ thể…
Nói tóm lại, nghị quyết 28 của trung ương ngày 23-5-2018 nêu rõ “phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động”, bảo vệ quyền lợi, vị thế người lao động.
Có lẽ các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần xem xét thận trọng, thảo luận kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến rộng rãi từ chuyên gia và những người trực tiếp thụ hưởng chính sách để góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trong các kỳ họp tới đây.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hết tháng 6-2024, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Tỉ lệ thất nghiệp 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Số người nhận trợ cấp thất nghiệp là 466.000 người, giảm hơn 10% so với cùng kỳ.