Công đoàn Việt Nam đề nghị nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75% thay vì 60% như hiện hành, không quy định hưởng tối đa 12 tháng mà tương ứng thời gian đóng.
Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì xây dựng dự luật) đề xuất mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.
Góp ý cho dự thảo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương tính đóng BHTN trước khi nghỉ việc. Bởi phần lớn doanh nghiệp đóng cho lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên tiền hưởng rất thấp.
Với tiền lương bình quân đóng BHTN khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó theo thống kê của công đoàn, chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.
Lao động tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Công đoàn cũng đề nghị sửa đổi thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng không quy định cứng tối đa 12 tháng mà hưởng tương ứng với thời gian đóng. Mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ lao động nghỉ việc từ khoản đã đóng góp vào Quỹ. Việc không quy định hưởng tối đa 12 tháng sẽ tạo điều kiện cho lao động nhiều năm đóng BHTN được hỗ trợ kinh phí duy trì cuộc sống, việc làm.
“Giới hạn thời gian hưởng tối đa 12 tháng dễ dẫn tới người lao động làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ để hưởng trợ cấp cho đỡ thiệt thòi, thậm chí rút BHXH một lần, doanh nghiệp mất đi lao động lâu năm”, Công đoàn nêu quan điểm, lý giải tâm lý chung của người lao động là không nhìn thấy quyền lợi thì không tiếp tục tham gia và dễ lựa chọn hình thức bảo hiểm khác.
Dự thảo Luật Việc làm đề xuất nhóm lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, lao động bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật buộc thôi việc sẽ không được hưởng trợ cấp. Song Công đoàn Việt Nam đề nghị xem xét lại điều này nhằm chia sẻ, đảm bảo quyền lựa chọn việc làm mới của người lao động.
Công đoàn cơ sở, doanh nghiệp phía Nam đồng loạt ý kiến việc dự thảo không cho người đơn phương chấm dứt hợp đồng được nhận trợ cấp là siết nhóm hưởng, loại trường hợp bị sa thải ra khỏi diện hưởng là chưa hợp tình hợp lý. Đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc bị sa thải vì nhiều nguyên do, nhiều tình huống chứ không hoàn toàn lỗi từ phía lao động.
Công đoàn nêu thực thế không ít doanh nghiệp sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng, thậm chí dùng “mánh khóe” như đẩy cao KPI, trừ lương thưởng nếu không đạt. Thông qua đó ép lao động tự nghỉ việc để không phải dính dáng pháp lý. “Dự luật không cho người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian tìm kiếm công việc mới là không bảo đảm được mục tiêu giá đỡ của chính sách”, Công đoàn Việt Nam nêu.
Luật hiện hành quy định lao động mỗi tháng trích đóng 1% tiền lương tham gia BHTN, doanh nghiệp đóng 1% quỹ tiền lương tháng của tổng số lao động tham gia BHTN. Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành để làm thủ tục. Thời gian hưởng căn cứ vào số tháng đóng, đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng, tối đa không quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Tiền trợ cấp cao nhất mỗi tháng hiện đạt 9 triệu đồng với lao động hưởng lương nhà nước và 23,4 triệu với lao động khu vực doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được lấy ý kiến từ cuối tháng 3, đề xuất hàng loạt chính sách như lao động ký hợp đồng một tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; không cố định mức đóng vào quỹ 1%; học sinh, sinh viên không làm thêm quá 20 giờ mỗi tuần; người cao tuổi được vay vốn tạo việc làm…
Hồng Chiêu