Đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 10 năm

Đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 10 năm

Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 xuống còn 10 năm để người lao động sớm hưởng lương hưu.

Tại buổi tiếp xúc công nhân với đại biểu Quốc hội ngày 12/5, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (KCN Quang Châu, Bắc Giang), đề xuất Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nên chia thời gian đóng BHXH thành nhiều mức 10 – 15 – 20 năm làm điều kiện cho lao động hưởng lương hưu. Tỷ lệ nhận lương hưu tương ứng với số năm đóng, tham gia càng lâu mức hưởng càng cao.

Ông Tân ví dụ đóng 10 năm thì mức hưởng bằng 30% tiền lương bình quân đóng BHXH; đóng 15 năm hưởng 45% và tăng dần theo như quy định hiện hành. Điều kiện là tuổi hưu tối đa 62 với nam, 60 với nữ. Quy định hiện hành là lao động đóng 20 năm BHXH, đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng 45%, thêm 2% cho mỗi năm đóng đến khi đạt mức tối đa 75%. Dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đề xuất giảm năm đóng từ 20 xuống 15 năm.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden nêu thực tế nhiều công nhân đóng BHXH 10 năm chọn rút BHXH một lần vì số năm điều kiện để hưởng lương hưu xa vời. Ảnh: Gia Chính

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden, nêu thực tế nhiều công nhân đóng BHXH 10 năm chọn rút BHXH một lần vì số năm điều kiện để hưởng lương hưu “xa vời”. Ảnh: Gia Chính

Lý giải cho đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm, ông Tân phân tích có xu hướng lao động đóng 10 năm chọn rút BHXH một lần. Nhóm này thường là nữ, tuổi 40-45. Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho thấy nhóm rút BHXH một lần giai đoạn 2016-2021 nhiều nhất là 30-40 tuổi, chiếm 40,4%; người 40-50 tuổi chiếm 15,4%.

Người trên 40 tuổi rất khó tìm việc mới nên phải làm tự do. Doanh nghiệp không muốn tuyển dụng khiến lao động không có điều kiện đóng BHXH tiếp, trong khi chế độ BHXH tự nguyện không hấp dẫn. Công nhân bị mắc kẹt, chơi vơi giữa việc không đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hay đóng tiếp.

“Với suy nghĩ đằng nào cũng không được hưởng lương hưu, lao động 40-45 tuổi sẽ chọn rút BHXH một lần”, ông Tân giải thích. Chính ông đã hỏi công nhân đóng BHXH 10 năm rút một lần, họ cho biết khoản nhận được khoảng 150 triệu đồng, là khoản khá lớn để chi cho con cái học hành, sửa sang nhà cửa.

Một lý do nữa, theo ông Tân, giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm sẽ khiến nhiều người có động lực ở lại hệ thống an sinh. Ở độ tuổi 40-45, sau nghỉ việc lao động không phải đợi quá lâu để hưởng hưu trí như nhóm 30 tuổi. “Đóng ít năm thì hưởng mức thấp, song còn hơn không có. Với người già, lương hưu thực sự rất quan trọng và khoản này vẫn được điều chỉnh mỗi năm, cộng thêm trợ cấp khi đến tuổi, sẽ không phải nhờ cậy con cái”, ông nói.

Ngoài giảm năm đóng BHXH, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở kiến nghị đại biểu Quốc hội, các cấp chính quyền Bắc Giang sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nợ, chậm đóng BHXH. Ông Hà Minh Vĩ, Phó chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, nêu thực tế có doanh nghiệp nợ BHXH đến 3 năm, hay đơn vị chỉ 150 lao động nhưng nợ đến 10 tỷ đồng, chủ bỏ trốn.

Giải đáp kiến nghị này, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay với doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng BHXH tỉnh đã giao cho các ngành có cơ chế cảnh báo sớm. Cụ thể, với doanh nghiệp chậm trên ba tháng, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang sẽ thông tin cho ngành lao động, công đoàn vào cuộc. Danh sách sau đó công khai trên cổng BHXH tỉnh hoặc phạt hành chính tùy mức độ chậm trễ của doanh nghiệp. Biện pháp trên giúp Bắc Giang thu hồi được 7 trong số 20 tỷ đồng nợ đọng BHXH.

“Thông tin nợ đóng, chậm đóng cần được công khai để các ngành liên quan biết, tránh tình trạng nợ mà chỉ có Bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp biết với nhau rồi tiền mang đi đâu không biết”, ông Dương nói, hứa sẽ có biện pháp mạnh hơn để hạn chế nợ BHXH, kịp thời ngăn chặn chủ bỏ trốn, nhất là người nước ngoài.

Hồng Chiêu – Gia Chính