* Nhà tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu) thì mới phát hiện toàn bộ thửa đất mà gia đình tôi đang sử dụng và canh tác trong suốt 60 năm qua lại nằm trong sổ của nhà hàng xóm. Người đứng tên trong giấy chứng nhận đó đã qua đời.
Khi tôi sang trao đổi, người thân của hàng xóm xác nhận rằng toàn bộ diện tích đất mà gia đình tôi đang sử dụng cũng nằm trong sổ của họ. Vậy tôi cần phải làm gì để có thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình? Đất này là đất khai hoang, đã được sử dụng ổn định từ trước đến giờ?
Bà Trần Thị V. (Văn Chấn, Yên Bái) gửi câu hỏi.
Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) trả lời về quy định liên quan đến việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bị lấn chiếm
Trong trường hợp đất nhà bạn đang sử dụng ổn định nhưng toàn bộ đất đều được cấp sổ cho người khác, bạn có thể lựa chọn một trong hai phương án sau để giải quyết:
Cách 1: Khiếu nại lên cơ quan chức năng
Bạn có thể khiếu nại lên Ủy ban Nhân dân quận/huyện nơi đã cấp sổ cho nhà hàng xóm về phần diện tích đất của bạn, vì việc cấp sổ đã sai đối tượng. Yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận/huyện hủy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà hàng xóm.
Nếu Ủy ban Nhân dân xác định rằng đất đó là của bạn và việc cấp sổ là sai, họ sẽ tiến hành hủy giấy chứng nhận đã cấp sai. Sau khi hủy, bạn có thể làm đơn đề nghị cấp giấy cho mình.
Trong trường hợp khiếu nại không được giải quyết thỏa đáng (hết thời hạn mà không có kết quả, hoặc không được giải quyết đầy đủ), bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu xem xét lại hành vi hành chính của chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận/huyện, đồng thời yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận đã cấp cho nhà hàng xóm và công nhận quyền sử dụng đất bạn đang có.
Cách 2: Hòa giải tranh chấp đất đai
Bạn có thể làm đơn đề nghị hòa giải tại Ủy ban Nhân dân xã phường để giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu hòa giải không thành công, hãy tuân theo biên bản hòa giải không thành và tiến hành khởi kiện tranh chấp đất đai ra Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết.
Khi đó, bị đơn sẽ là những người thừa kế của người hàng xóm đứng tên trong giấy chứng nhận. Nếu bạn yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho nhà hàng xóm và công nhận quyền sử dụng đất cho bạn, Tòa án Nhân dân cấp huyện sẽ chuyển thẩm quyền lên Tòa án Nhân dân cấp tỉnh để giải quyết. Tòa án sẽ xem xét nguồn gốc sử dụng đất, đo vẽ tọa độ và xác định có lấn chiếm hay không, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế… chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi để được tư vấn theo đúng quy định.