Hơn 17h30, chị Khánh Linh (40 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM), nhân viên văn phòng, vội vã đặt xe ôm công nghệ để đón con trai 10 tuổi vừa tan học. Qua điện thoại, chị dặn dò kỹ càng, nhờ tài xế đưa con đến tận cửa chung cư để bảo đảm an toàn.
Các tuyến đường tại TPHCM kẹt cứng vào giờ cao điểm (Ảnh minh họa: Nam Anh).
Thế nhưng chị vẫn “đứng ngồi không yên”. Chị Linh thở dài kể, những hôm điện thoại của con trai hết pin, tắt nguồn giữa chừng càng lo sốt vó, ngồi ở văn phòng nhưng chị không thể tập trung vào công việc.
Nữ nhân viên nêu lịch trình, chị được tan ca 17h30 hàng ngày, cùng giờ tan học của con. Thông thường, thời gian di chuyển từ quận 3 đến TP Thủ Đức mất khoảng 30 phút, chị Linh vẫn có thể xoay xở, vừa kịp về đón con.
Tuy nhiên, những ngày cuối năm, đường sá ùn tắc hơn rất nhiều. Thay vì 30 phút chạy xe, chị Linh mất hơn 1 giờ mới đến được trường con.
“Những nơi kẹt nhiều nhất là đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, cầu Thủ Thiêm, Mai Chí Thọ. Thậm chí giữa trưa, một số đoạn đường thường vắng vẻ nay cũng bỗng nhiên đông đúc, kẹt cứng.
Nhà trường chỉ hỗ trợ giữ trẻ đến 18h hoặc cùng lắm là 18h30. Cuối năm, việc nhiều, khó có thể dứt ra được lúc 17h30 nên việc đón con lại càng không thể”, chị Linh thở dài.
Nữ nhân viên văn phòng đành bỏ tiền thuê người đón con tan học về với mức phí 50.000 đồng/lượt, để giải quyết chuyện tất bật những ngày cuối năm.
Anh Xuân Duy (36 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú) cho hay, những ngày gần đây anh phải vứt bỏ luôn ô tô, trở lại với chiếc xe máy vì đường sá ùn tắc lạ thường.
“Thay vì chỉ mất 20 phút, tối đa là 30 phút di chuyển, giờ đây tôi mất hơn 45 phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ mới đến được công ty. Cuối năm, công việc ở văn phòng cũng như yêu cầu đi gặp đối tác bên ngoài đều chồng chất. Không thể lái ô tô mà chạy nổi chừng ấy việc, tôi buộc phải sử dụng xe máy”, anh Duy nói.
Công việc của anh đòi hỏi gặp gỡ, tiếp xúc nhiều đối tác quan trọng. Đó cũng là lí do anh mua ô tô để di chuyển, phục vụ công việc. Giờ đường sá thường trực cảnh ách tắc, chọn phương tiện nào cũng khốn khổ.
Chị Linh mất hơn 1 giờ chen chân trên đường mới về đến nhà, thay vì 30 phút như thường lệ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Đáng mừng là một số đoạn đường, tôi không thấy người dân leo lề hay vượt đèn đỏ nữa. Ý thức chung như vậy là đáng mừng rồi, giờ tôi hi vọng thành phố có hạ tầng giao thông được cải thiện hơn, hạn chế được chuyện ùn tắc hiện tại”, anh Duy nói.
Ngọc Nhi (24 tuổi, ngụ tại TPHCM) cho hay những ngày gần đây, cô thường về nhà rất muộn vì không đặt được xe ôm công nghệ.
“Thông thường, tôi chỉ mất vài phút là gọi được xe nhưng không hiểu sao thời điểm này không đặt được cuốc nào, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm. Tôi có thử trò chuyện với tài xế, một số người than rằng vì đường sá cuối năm quá đông đúc, họ chủ động tắt ứng dụng, tạm ngưng làm việc vào giờ cao điểm vì không chạy nổi”, chị Nhi cho hay.
TPHCM hiện quản lý hơn 9,5 triệu xe các loại, trong đó hơn 1 triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy. Mật độ đường giao thông trên địa bàn TPHCM là 2,34 km/km², rất thấp so với quy định 10-13,3 km/km²; diện tích đất dành cho giao thông đạt 13,04%, cũng chỉ bằng non nửa quy định tỷ lệ phải đạt là 24-26%.
Với tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM bị quá tải, vượt năng lực thông hành.