Đảm bảo “một cửa” thực chất

Đảm bảo “một cửa” thực chất

Biên phòng – Từ ngày 1/1, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết hạn sử dụng, thay bằng hộ khẩu điện tử. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, khiến thủ tục hành chính một cửa tưởng nhanh nhưng lại phải qua nhiều “cửa phụ”.


Ảnh: minh họa

Thực tế, nhiều người dân đã “dở khóc, dở cười” khi đến cơ quan công quyền thực hiện một số thủ tục hành chính như: giao dịch ngân hàng, nhà đất, đăng ký điện nước, nhập học, việc làm, khai sinh, khai tử, kết hôn…, buộc phải đi xác nhận thông tin cư trú.

Đơn cử, để được UBND phường cấp giấy xác nhận tình trạng độc thân, họ buộc phải sang công an phường để xin giấy xác nhận cư trú. Cán bộ tư pháp lý giải về sự bất tiện này do quy định yêu cầu người dân phải chứng minh được thời gian cư trú tại địa phương cũng như những nơi khác, nhưng khi bỏ hộ khẩu giấy thì cán bộ hộ tịch không chứng minh được do chưa được chia sẻ dữ liệu.

Theo nhiều chuyên gia tư pháp, Bộ Công an đã hướng dẫn 7 phương thức thay thế hộ khẩu giấy bao gồm căn cước công dân gắn chip, quét mã QRcode, truy cập ứng dụng VNeID, cổng dịch vụ công quốc gia, mã số định danh cá nhân hoặc giấy xác nhận cư trú. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan chưa liên thông hoàn chỉnh, trong khi cán bộ nhà nước và cả người dân còn chưa sử dụng thành thạo các phương tiện điện tử.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: Để kết nối dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư, các hệ thống thông tin phải đạt cấp độ 3 trở lên. Do vậy, nhiều bộ, ngành cần phải đầu tư về công nghệ, đầu tư về hạ tầng thì mới đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đây chính là “lỗ hổng” trong việc triển khai, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi phục vụ các bộ, ngành thực hiện thủ tục hành chính. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành để nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chuẩn về cấp độ thông tin. Thế nên, trong thời gian này, người dân vẫn phải ngược xuôi vì thủ tục hành chính khi bỏ hộ khẩu giấy.

Ngoài việc chậm trễ kết nối hạ tầng dữ liệu đồng bộ, nhiều người dân không rành về công nghệ thông tin, chưa cài đặt các app để tự khai báo, nhiều bất cập gây phiền toái doanh nghiệp như hầu hết UBND xã hiện nay không có thiết bị đọc mã QR cũng như đọc thẻ chíp trên căn cước công dân nên không đủ cơ sở để chứng thực, xác thực thủ tục hành chính cho người dân.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo địa phương cần quán triệt, minh bạch khi thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú giấy. Theo đó, rà soát quy định pháp luật liệt kê 48 danh mục thông tư, quyết định cần sửa đổi, trong đó, 267 danh mục thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình hộ khẩu, xác nhận cư trú để bãi bỏ trước ngày 20/3.

Rõ ràng, dữ liệu dân cư quốc gia, các dịch vụ hành chính công vẫn chưa được sử dụng thông suốt giữa các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là cấp cơ sở. Các công cụ lưu trữ, quản lý hồ sơ số của công dân để giúp cán bộ công chức yên tâm xử lý chính xác gần như chưa có.

Nếu còn chậm trễ về nâng cấp trang thiết bị, đường truyền, chia sẻ dữ liệu để đấu nối sử dụng chung thì những nỗ lực số hóa, giải quyết theo hồ sơ điện tử vẫn chỉ là khẩu hiệu, không thực chất, cũng như việc cấp mã định danh điện tử, tài khoản định danh điện tử và căn cước công dân có gắn chíp sẽ không phát huy giá trị.

Thiết nghĩ, để xây dựng thành công xã hội số, cần phải có công dân số, mà tiên phong chính là đội ngũ thực thi nhiệm vụ trong các cơ quan hành chính, nhất là chính quyền cơ sở. Đội ngũ này cần được trang bị đầy đủ các kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin để xử lý thủ tục hành chính cũng như hỗ trợ người dân, tránh mọi phiền hà cho người dân.

Hoàng Lâm