Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 123?
1. Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo Nghị định 123?
Theo Điều 32 của Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về biên bản và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm:
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Nghị định này;
- Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra cấp tỉnh thành lập, công chức làm công tác địa chính cấp xã; công chức, viên chức thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp đang thi hành công vụ.
- Công chức, viên chức kiểm lâm đang thi hành công vụ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến đất lâm nghiệp. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi hành công vụ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này; người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân đang thi hành công vụ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng;
- Đối với người có thẩm quyền đang thi hành công vụ không thuộc các chức danh quy định tại điểm b khoản này hoặc không thuộc địa bàn quản lý của mình mà phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền để lập biên bản vi phạm hành chính.
2. Người có hành vi vi phạm hành chính đã lập biên bản vi phạm hành chính mà chưa ban hành quyết định xử phạt thì xử lý như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 35 của Nghị định 123/2024/NĐ-CP, trường hợp người có hành vi vi phạm hành chính đã lập biên bản vi phạm hành chính mà chưa ban hành quyết định xử phạt thì được xử lý như sau:
- Trường hợp hết thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì không ban hành quyết định xử phạt nhưng phải ban hành quyết định áp dụng hình thức tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).
- Trường hợp còn thời hạn ban hành quyết định xử phạt thì mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai 2024
Theo Điều 11 Luật Đất đai 2024, 11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai gồm:
- Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất.
- Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai.
- Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
- Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.
- Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
- Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.