Ngày 17/12, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết đã nhận báo cáo từ 135 doanh nghiệp, cho thấy các doanh nghiệp dân doanh có sự chênh lệch lớn nhất. Mức thưởng cao nhất của Tết Dương lịch là 1,5 triệu đồng, trong khi Tết Nguyên đán là 700 triệu đồng (gấp hơn 466 lần).
Đây cũng là mức thưởng Tết Ất Tỵ cao nhất tại Đà Nẵng (thấp hơn so với 1 tỷ đồng năm 2023 và 1,432 tỷ đồng năm 2022). Ở loại hình doanh nghiệp này, mức thưởng thấp nhất chênh lệch không đáng kể, với 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Công nhân Công ty Dệt may 29 Tháng 3 Đà Nẵng trong một ca làm việc, năm 2024. Ảnh: Nguyễn Đông
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dẫn đầu mức thưởng Tết Dương lịch (cao nhất là 223,1 triệu đồng) và đứng thứ nhì mức thưởng Tết Ất Tỵ (cao nhất là 475,5 triệu đồng). Trong khi mức thưởng thấp nhất ở hai dịp thưởng Tết cùng là 100.000 đồng.
Các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước cũng có sự chênh lệch giữa mức thưởng cao nhất, khi Tết Dương là 17 triệu đồng, còn Tết Nguyên đán là 220 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất Tết Dương lịch là 200 triệu đồng, Tết Ất Tỵ là 1 triệu đồng.
Các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ không có nhiều chênh lệch ở mức thưởng cao nhất, khi Tết Dương lịch là 35 triệu đồng, Tết Nguyên đán là 46 triệu đồng. Mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng và 2 triệu đồng.
Tính đến ngày 17/12, đã có 9 địa phương công bố mức thưởng Tết, gồm Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đăk Lăk, Long An, Bình Dương, Cần Thơ và Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng đang là địa phương có mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất, đứng thứ nhì là Long An với 519 triệu đồng, trong khi Thanh Hóa thưởng thấp nhất 70.000 đồng.