Trung Quốc đang xem xét việc mua lại hàng triệu căn nhà chưa bán được như một phần trong kế hoạch triệt để nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra tại quốc gia này.
Bắc Kinh được cho là đang tham khảo ý kiến của các quan chức chính quyền địa phương về các đề xuất mở đường cho các doanh nghiệp nhà nước mua hàng loạt căn nhà chưa bán được từ các nhà chủ đầu tư đang gặp khó khăn.
Bloomberg cho biết các đề xuất vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng là phiên bản mở rộng của các chương trình tương tự đã được thí điểm trên cả nước.
Các báo cáo cho biết những ngôi nhà sẽ được mua với giá chiết khấu cao và được chuyển đổi thành nhà ở giá phải chăng.
Các kế hoạch trước đây cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cam kết số tiền tương đương 280 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm để mua những bất động sản gặp khó khăn và cung cấp ra thị trường với giá trợ cấp cho các gia đình thuê lại. Những tài sản này sẽ bị cấm bán trên thị trường mở.
Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc hồi tháng trước tuyên bố đang nghiên cứu các cách để “tiêu hóa” kho dự trữ nhà hiện có, một động thái khiến chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh.
Nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản khi chứng kiến một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất vỡ nợ trong bối cảnh tăng trưởng yếu và xây dựng quá mức trong lĩnh vực này.
Evergrande, từng là công ty bất động sản giá trị nhất thế giới, đã sụp đổ vào năm 2021, gây ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này và kéo tăng trưởng đi xuống. Một tòa án Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý công ty vào đầu năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại ở mức 4,1% vào năm tới, thấp hơn nhiều so với mức hai con số từng thấy trong thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính. Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại, chỉ còn trên 3% vào cuối thập kỷ này.
Các nhà phân tích cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức nợ ngày càng tăng của Trung Quốc, vốn đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế cảnh báo nợ toàn cầu hiện đứng ở mức cao kỷ lục 315 nghìn tỷ USD trong ba tháng đầu năm.
Viện này cũng cho biết sự gia tăng này “chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường mới nổi”, nơi nợ tăng lên “mức cao chưa từng có trên 105 nghìn tỷ USD”. Con số này cao hơn 55 nghìn tỷ USD so với một thập kỷ trước, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico chứng kiến mức tăng lớn nhất trong năm nay.