Cuối năm mong Tết ấm: Sinh viên tăng ca kiếm gấp 3-4 lần, đến Tết nhớ nhà kinh khủng

Cuối năm mong Tết ấm: Sinh viên tăng ca kiếm gấp 3-4 lần, đến Tết nhớ nhà kinh khủng

Căng mình cuối năm mong Tết ấm: Sinh viên hối hả làm thêm - Ảnh 1.

Đức Minh chọn làm thêm xuyên Tết tại quán cà phê đã gắn bó với mình khá lâu – Ảnh: M.QUÂN

Dù nhiều lý do, song phần lớn sinh viên chọn làm thêm dịp Tết đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ xem đây là mùa tranh thủ kiếm thêm cho những khoản chi dự tính dẫu chỉ thời gian ngắn.

Làm mùa Tết đủ sáu tháng tiền trọ

Kim Thi (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết Tết này sẽ không về quê, cũng là cái Tết thứ ba xa nhà kể từ khi vào TP.HCM học. “Vé máy bay mình chịu không nổi, còn xe thì chật chội, nhồi nhét khiếp lắm. Từ Hà Nội còn phải bắt xe về quê cũng nhồi nhét kinh khủng dù giá hơn gấp đôi ngày thường. Chưa kể ở nhà vài bữa đã lo chuyện vào lại thế nào, nên thôi vậy”, Thi nói lý do không về nhà ngày Tết.

Nhưng quan trọng hơn, Thi quyết định ở lại để tranh thủ làm thêm. Hai cái Tết đã qua bạn cũng ở lại TP.HCM đi làm, sáng có chân bưng bê tại một quán phở ở quận Gò Vấp, rồi từ 11h – 22h làm phục vụ nhà hàng ở quận Tân Bình. Năm nay cô tính sẽ đi làm chỗ cũ và cũng với lịch trình đó.

“Tết dương lịch làm hai hôm, lương gấp rưỡi bình thường. Còn Tết Nguyên đán sẽ hậu hĩnh hơn, lương nhân ba. Nếu doanh thu quán ngày nào đạt còn được nhân bốn. Chỉ cần chịu khó làm chừng chục ngày Tết thì coi như sáu tháng tới khỏi lo tiền trọ. Khách mà thương lì xì nữa có khi còn có tiền mua điện thoại mới”, Thi cười.

Trong khi đó Nguyễn Đăng Tiến Anh (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã sẵn kế hoạch cho một mùa Tết tất bật sắp tới.

Theo nghề vũ công đã lâu, Tiến Anh nắm rõ dịp cuối năm cũ đầu năm mới thường có nhiều chương trình vui xuân, đại nhạc hội nên cũng chạy sô liên tục, thời gian không cố định. Dù cực nhưng nếu biết chủ động sắp xếp thời gian hợp lý, anh cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Tiến Anh kể, thu nhập trung bình hằng tháng khoảng 10 triệu đồng, còn làm xuyên mùa Tết được cũng gần 30 triệu đồng, vì ngoài lương còn có thêm khoản thưởng của công ty. “Biết là vất vả hơn ngày thường, lại ngay mùa người ta nghỉ ngơi còn mình phải đi làm, nhưng được cái thu nhập khá hơn hẳn. Khi các chương trình giải trí hạ nhiệt thì mình về quê ăn Tết muộn vậy”, Tiến Anh nói.

Trải nghiệm ăn Tết xa nhà

Đức Minh (sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện đang là trưởng ca một quán cà phê ở quận 1. Minh nói đã chọn đi làm thêm xuyên mùa Tết sắp tới vì hiện cả gia đình đều đã định cư nước ngoài. “Giờ ở đây còn mỗi một mình, nên có đón Tết ở nhà cũng đâu mấy ý nghĩa nữa. Thôi thà đi làm có khi còn vui”, Minh cười.

Ngày thường lương phục vụ, bưng bê tại quán cà phê chỉ khoảng 40.000 đồng/giờ, nhưng mấy ngày Tết sẽ tăng gấp ba, tức 120.000 đồng/giờ. Đi làm vừa đỡ chán vừa được lương cao càng thôi thúc Đức Minh nỗ lực hơn. Nhưng còn lý do khác là anh bạn muốn dành dụm rồi sang năm sẽ tự mua vé qua thăm gia đình bằng tiền do chính mình kiếm được.

Có đủ lý do để sinh viên chọn làm thêm mùa Tết. Phúc Khang (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) từng chọn làm thêm việc phục vụ nhà hàng xuyên Tết vì muốn trải nghiệm cảm giác Tết xa nhà. Được thông báo tiền lương tăng gấp đôi những ngày cận Tết, còn trong mấy ngày Tết sẽ được nhân gấp bốn, ban đầu bạn thấy khá hào hứng khi nhận việc.

Tuy nhiên đi làm và gần tới giao thừa Khang thú thật nhớ nhà kinh khủng và cả tủi thân khi xung quanh chẳng có ai bên cạnh.

“Mỗi người một hoàn cảnh, nên chọn làm thêm Tết không ai giống ai. Nhưng sâu thẳm trong lòng chắc ai cũng sẽ giống nhau là đều muốn được sum họp đón Tết bên gia đình khi bắt đầu năm mới”, Khang trải lòng.

Vừa làm vừa tái tạo năng lượng

Áp lực tiền nong vì có nhiều dự định, Minh Thư (24 tuổi, nhân viên pháp lý sống tại quận Phú Nhuận) đã chọn tăng ca chứ không về quê Tết năm nay. Công ty chỗ Thư làm khuyến khích có đãi ngộ cho nhân viên tăng ca ngày Tết để làm việc với khách hàng nước ngoài và Thư đã đăng ký ở lại.

“Mình coi đây là dịp tự tạo không gian yên tĩnh cho riêng mình để tái tạo năng lượng, tìm lại cảm hứng trong công việc. Chưa kể khoản tích lũy từ tăng ca ngày Tết mình dành trang trải học phí cao học hiện tại”, Thư cho biết.

Gần 32.500 vị trí việc làm chờ người lao động

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết thời điểm này trong năm kinh tế sẽ sôi động theo chu kỳ vì là giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao.

Đây cũng là dịp doanh nghiệp triển khai các chương trình thu hút khách hàng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Do đó nhu cầu lao động vào thời điểm này tăng cao, nhất là việc làm thời vụ, bán thời gian trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ.

Căng mình cuối năm mong Tết ấm: Sinh viên hối hả làm thêm - Ảnh 2.

Có khá nhiều chỗ trống đang cần người làm mùa cao điểm này nên lao động cần kiểm tra kỹ thông tin tuyển dụng – Ảnh: C.TRIỆU

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp với 32.476 vị trí việc làm trống đang chờ lao động. Trong đó tập trung ở các ngành nghề dệt may – giày da, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên phát triển thị trường, kế toán – kiểm toán, dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn…

Nhiều vị trí việc làm thời vụ, bán thời gian như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng, nhân viên đóng gói, nhân viên phục vụ… phù hợp với người lao động là công nhân, học sinh, sinh viên.

Tùy vị trí, tính chất công việc sẽ có lương khác nhau. Một số vị trí việc làm thời vụ, bán thời gian có mức lương dao động từ 25.000 – 100.000 đồng/giờ. Nếu người lao động làm trong những ngày Tết, ngoài lương còn có khoản thưởng, lì xì năm mới.