Cuộc đua ngày càng cam go ở châu Phi

Cuộc đua ngày càng cam go ở châu Phi

Biên phòng – Bình luận về cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp, giới quan sát cho rằng, châu Phi sẽ là một trong những “trường đua” nóng bỏng giữa Mỹ và Trung Quốc.


Mỏ dầu Kingfisher do Tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc (CNOOC) vận hành. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nhiều nguồn lợi

Dễ thấy, trong việc Trung Quốc và Mỹ ganh đua giành ảnh hưởng tại châu Phi, các nước tại lục địa này hưởng nhiều lợi ích. Bởi trong cuộc đua, các bên đều nỗ lực đưa ra nhiều lợi ích vượt trội hơn cho châu Phi nhằm khẳng định rằng, mình là sự lựa chọn tốt nhất.

Nổi bật là tại Tanzania, quốc gia mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Quốc gia này vốn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Phi và đã ghi nhận những bước phát triển tăng vọt trong những năm gần đây, khi cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng cam go.

Truyền thông quốc tế dẫn số liệu từ giới chức Tanzania cho hay, trong 10 năm qua (từ năm 2013 đến năm 2023), Trung Quốc đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào nước này. Tính bình quân là khoảng 1 tỷ USD/năm.

Một khoản đầu tư nổi bật nhất hiện nay ở Tanzania là khu công nghiệp Sino-Tan trị giá 3 tỷ USD, chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản vay từ Trung Quốc. Khu công nghiệp này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, tạo ra 600.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân địa phương.

Ở “đường đua” song hành, Mỹ cũng đang thực hiện đầu tư chiến lược và tăng cường liên kết thương mại với Tanzania. Thống kê từ Chính phủ Tanzania, tính đến tháng 12/2023, Mỹ có 283 dự án đăng ký tại Trung tâm Đầu tư Tanzania, cung cấp khoảng 55.000 việc làm.

Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra cam kết rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính lên tới 500 triệu USD giúp các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Tanzania.

Đối với Tanzania, Phó Tổng thống Tanzania Philip Mpango gần đây tuyên bố, nước này sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh và cam kết chắc chắn sẽ đưa Tanzania trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Phi.

Theo giới quan sát, cuộc đua giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra trên khắp lục địa với những khoản đầu tư khổng lồ ở Uganda, Nam Sudan…

Nổi bật trong đó, Nhà máy thủy điện Isimba và Nhà máy thủy điện Karuma ở Uganda đều do Trung Quốc tài trợ đã giúp Uganda chuyển đổi năng lượng. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni thậm chí còn tuyên bố, chính phủ và nhân dân Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy của Uganda nói riêng và châu Phi nói chung.

Ở Nam Sudan, Trung Quốc chiếm khoảng 75% lượng xuất khẩu xăng dầu và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của quốc gia nghèo khó này. Ông Barnaba Marial Benjamin – Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Sudan khẳng định, khi dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc khởi động và mang lại 60 tỷ USD cho các nước châu Phi, đây có thể sẽ là cơ hội tuyệt vời để Nam Sudan được hưởng lợi.

Sự ràng buộc

Giới chuyên gia chính trị khẳng định, Trung Quốc đang ngày càng giành được nhiều vị thế quan trọng ở châu Phi. Song hành với đó, Mỹ cũng nỗ lực rất lớn để tái khẳng định, mình là đối tác đáng lựa chọn của châu Phi.

Thực tế cho thấy, ảnh hưởng ngày càng to lớn của Trung Quốc ở châu Phi là minh chứng sống động cho sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu. Sự lớn mạnh của Trung Quốc ắt hẳn kéo theo nhiều lo lắng từ Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung – những quốc gia vốn có tầm ảnh hưởng bao trùm toàn diện ở châu Phi. Thực tế cũng cho thấy, khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh ở châu Phi sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ và phương Tây, không chỉ ở cụ thể lục địa này, mà còn ở góc độ toàn cầu.

Lý giải cho việc tại sao Trung Quốc “mới nổi” có thể nhanh chóng đẩy lùi các thế lực ảnh hưởng lâu năm tại châu Phi, giới chuyên gia cho rằng, “con át chủ bài” làm nên thành công của Trung Quốc là việc không có sự ràng buộc đối với các nước châu Phi. Điều này tất yếu khiến Trung Quốc trở thành đối tác hấp dẫn hơn hẳn, là sự lựa chọn tối ưu vượt bậc đối với các nước châu Phi.

Theo giới chuyên gia, phương Tây có quan hệ rất chặt chẽ với châu Phi, nhưng các khoản tài trợ từ khu vực này vào châu Phi cũng đi kèm với các quy định khó chịu về dân chủ và quản trị. Các nước châu Phi nghèo khổ trước đây hầu như không còn sự lựa chọn nào và đành chấp nhận những khoản tài trợ đi kèm những “chiếc vòng kim cô”.

Ông Joseph Sheffu – chuyên gia tại Công ty tư vấn EY Tanzania nhìn nhận, Trung Quốc trước đây có thái độ trung lập về khía cạnh tài trợ đi kèm với điều kiện, nhưng trong thời gian gần đây, sự phát triển của Trung Quốc đặt ra vấn đề với quốc gia này là phải gia tăng nguồn lực và quan hệ đối tác, mà châu Phi chính là sự liên kết cần thiết nhất.

Tiến sĩ Liu Bao Cheng, Trưởng khoa Đạo đức kinh doanh quốc tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trung Quốc) bình luận, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ ở châu Phi, trong khi Mỹ với cách tiếp cận không thay đổi đang dần yếu thế. Tuy nhiên, vẫn là chưa quá muộn để Mỹ có những thay đổi để cố gắng bắt kịp Trung Quốc. Một trong những trọng tâm cần dồn lực ở châu Phi là việc cải thiện sinh kế của người dân bằng cách cung cấp cơ hội việc làm và đào tạo kỹ năng.

Ông Cheng khẳng định, dù góc nhìn chủ yếu về Trung Quốc ở châu Phi là sự lớn mạnh không ngừng, song thực tế cho thấy, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi thế khác nhau trong việc khai phá thị trường tại lục địa này.

Bình luận về sự phong phú khoáng sản quan trọng ở châu Phi – thứ mà cả thế giới thèm muốn, Tiến sĩ Liu Bao Cheng cho rằng, nhiều quốc gia châu Phi không thực sự có năng lực công nghiệp để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên. Vì vậy, các nước châu Phi vẫn cần đảm bảo cổ phần và phát triển ngành công nghiệp của riêng mình.

Thanh Trúc