Cú rẽ ngang của nữ y sĩ
Thời trẻ, với mong muốn tương lai có nghề nghiệp ổn định, năm 2013, Phạm Thị Thanh Tuyền (nay 32 tuổi, trú tại xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) theo học chuyên ngành y sĩ đa khoa tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng. Đến năm 2015, ra trường và kiếm việc làm nhưng mọi sự không như mong muốn của Tuyền.
Trở về quê nhà tại xã Quảng Lập, Tuyền băn khoăn về cảnh môi trường làng quê kém sạch đẹp, vệ sinh vì đường sá, xóm làng ô nhiễm vì chất thải gia súc và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp. Chị càng day dứt khi nhiều lần chứng kiến cảnh bố mẹ phải đổ bỏ rau củ làm ra vì chuyện “được mùa thì rớt giá”.
Phạm Thị Thanh Tuyền từng bị nhiều người gọi là “điên” khi bỏ việc, quay qua ủ phân bò nuôi trùn quế (Ảnh: Minh Hậu).
“Thấy bố mẹ và những người dân ở địa phương luôn phải chịu thiệt thòi nên tôi muốn làm việc gì đó để thay đổi”, cô gái 32 tuổi chia sẻ.
Sau thời gian tìm tòi, năm 2018, Tuyền nắm bắt thông tin mô hình trùn quế ở huyện Củ Chi (TPHCM) trở thành giải pháp hữu hiệu xử lý môi trường nông thôn, tạo ra giá trị từ phế phẩm nông nghiệp nên tìm tới tận nơi học hỏi.
Được chia sẻ bí kíp, Tuyền bỏ tiền mua một ít giống sinh khối về, bắt đầu nuôi trùn trong không gian nhà kho rộng 20m2.
“Tôi đi gom phân bò về ủ, rau củ quả bỏ đi về làm thức ăn cho trùn. Thấy tôi bỏ việc về làm những chuyện như lập dị, người làng cứ luôn miệng bảo tôi bị điên”, Tuyền nhớ lại.
Mỗi năm, trại trùn quế xử lý khoảng 235 tấn phân bò, phân heo và khoảng 350 tấn phế phụ phẩm nông nghiệp là rau, củ, quả các loại (Ảnh: Minh Hậu).
Trên diện tích ô nuôi 20m2, một lượng lớn rau, củ, quả dư thừa của gia đình, phân bò từ các hộ lân cận được trùn quế xử lý sạch sẽ, không phát thải ô nhiễm như trước đây. Sau 3 tháng nuôi, Tuyền gom phân để bón cho cây trồng trong vườn. Số trùn quế giống ban đầu cũng có sự sinh trưởng nhiều hơn nên Tuyền tiếp tục sử dụng để sản xuất giống, nhân rộng mô hình.
Năm 2019, nhận thấy việc làm của Tuyền mang lại hiệu quả, 9 phụ nữ tại địa phương đã học hỏi và bắt tay cùng thực hiện. Hợp tác xã Phụ nữ trùn quế Đơn Dương được thành lập do Tuyền làm giám đốc với phân khu nuôi trùn quế rộng khoảng 400m2.
Năm 2023 nhận bằng cử nhân Luật xong, chị vẫn tiếp tục xây dựng, phát triển mô hình sản xuất phân bón trùn quế (Ảnh: Minh Hậu).
Trên diện tích nuôi này, các thành viên trong hợp tác xã cùng thu gom nguồn phân bò, phân heo từ các chuồng trại của gia đình và nguồn rau, củ, quả loại bỏ về xử lý, làm thức ăn cho trùn quế. Sau mỗi chu kỳ 3 tháng nuôi, hợp tác xã gom phân trùn quế, chuyển 50% cho các thành viên làm phân bón, phục vụ việc trồng trọt. 50% còn lại được chuyển qua công đoạn giảm ẩm, đóng gói để bán ra thị trường.
Tuyền chia sẻ, năm 2023 chị tốt nghiệp cử nhân Luật, Đại học Đà Lạt. Nữ cử nhân vẫn tiếp tục xây dựng, phát triển mô hình sản xuất phân trùn quế.
Liên kết nông dân cùng làm giàu
Tiếng lành đồn xa, đến nay, hợp tác xã của chị đã kết nạp thêm 4 thành viên và tổ chức liên kết với 21 hộ dân trong vùng, mở rộng quy mô sản xuất phân trùn quế lên 1.500m2.
150-160 tấn phân trùn quế tiêu thụ mỗi năm mang về nguồn thu không nhỏ (Ảnh: Minh Hậu).
Cùng với việc phát triển khu nuôi, chị Tuyền còn tổ chức đầu tư trang thiết bị, máy móc, xây dựng khu xưởng sơ chế, đóng gói phân bón và khu chiết xuất các loại dịch trùn quế (dùng để tưới, bón cho cây trồng).
“Mỗi năm, hợp tác xã chúng tôi trực tiếp xử lý khoảng 235 tấn phân bò, phân heo và khoảng 350 tấn phế phụ phẩm nông nghiệp rau, củ, quả các loại. Nhờ vậy, môi trường trang trại chăn nuôi, vườn của các hộ thành viên được đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt nguồn phân trùn quế giúp các hộ dân sản xuất nguồn rau an toàn, giảm được chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm”, Phạm Thị Thanh Tuyền nói.
Nguồn phân bò, phân heo, rau, củ, quả phế phẩm nông nghiệp từ các hộ thành viên, các hộ nông dân trong vùng được gom, xử lý theo các quy trình khoa học. Trong đó, các loại chất thải gia súc phải phối trộn, xử lý vi sinh theo thời gian quy định trước khi cho vào ô nuôi làm thức ăn cho trùn quế.
Rau, củ, quả, các phế phụ phẩm khác được gom và trực tiếp cho vào ô nuôi để trùn quế xử lý. Tất cả quy trình thu gom, xử lý đều phải tuân thủ nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường.
Năm 2020, chị Tuyền được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao chứng nhận dự án phân trùn quế là dự án tiêu biểu trong chương trình phụ nữ khởi nghiệp do đơn vị này tổ chức.
Mỗi năm hợp tác xã sản xuất, cung ứng ra thị trường 150-160 tấn phân trùn quế với mức giá 150.000 đồng/bao 25kg, cung ứng khoảng 600-800 lít dịch trùn quế với mức giá 100.000-150.000 đồng/lít. Ngoài ra, hợp tác xã cũng cung ứng 5-7 tấn trùn giống với mức giá khoảng 20.000 đồng/kg.
Phạm Thị Thanh Tuyền chia sẻ, hợp tác xã đang mở rộng mô hình liên kết với các hộ chăn nuôi, trồng trọt tại địa bàn huyện Đơn Dương để nâng cao năng lực sản xuất. Mong muốn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất phân trùn quế cho các nông hộ trên địa bàn để người dân trực tiếp sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn.
Cùng với đó, hợp tác xã liên kết các hộ dân trong vùng xây dựng mô hình du lịch nông thôn, quảng bá mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Nguồn phân trùn quế giúp các hộ dân sản xuất rau an toàn, giảm chi phí đầu tư (Ảnh: Minh Hậu).
Bà Nguyễn Thị Điềm Dương, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương) cho biết, hợp tác xã sản xuất phân trùn quế của chị Phạm Thị Thanh Tuyền là mô hình hiệu quả, mang lại nhiều giá trị.
“Hợp tác xã Phụ nữ trùn quế Đơn Dương đã góp phần xử lý nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo phân bón cho hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Đây cũng là hợp tác xã có sự phát triển liên kết chuỗi với nông dân một cách mạnh mẽ ở địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện nguồn thu nhập cho các hộ dân”, bà Dương nhận định.
Theo bà Dương, địa phương đang khuyến khích, tạo điều kiện để chị em phụ nữ trên địa bàn nhân rộng mô hình.