Dự thảo tờ trình Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi có hai phương án quy định việc hưởng, rút BHXH một lần.
Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy, những người này sẽ mất quyền lợi về lâu dài là lương hưu do có thể không tích lũy đủ 20 năm để hưởng hưu trí.
Dự thảo tờ trình Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi có hai phương án quy định về việc hưởng, rút BHXH một lần.
Phương án 2 là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Với phương án này thì người lao động chỉ được rút tối đa không quá 50% tiền bảo hiểm xã hội một lần nếu chưa đủ tuổi hưu. Phần còn lại sẽ được bảo lưu và người lao động sẽ nhận lại khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, mục tiêu của BHXH là đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân. Do đó, khi đã tham gia vào hệ thống thì không nên rút, trừ hai trường hợp đặc biệt.
Trường hợp thứ nhất là người lao động ốm đau, bệnh tật nặng, phải lấy toàn bộ số tiền đó lo cho cuộc sống. Trường hợp thứ 2 là người chuyển đi khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần trở nên phổ biến, nguyên nhân do họ gặp nhiều khó khăn, cả khách quan và chủ quan.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.
TS Bùi Sỹ Lợi chỉ ra rằng, luật hiện hành cho phép người lao động được rút BHXH một lần nhưng khi ai cũng rút bảo hiểm thì sẽ dẫn đến tình trạng, số người vào và người ra trong hệ thống BHXH bằng hoặc gần bằng nhau. Khi đó, mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội sẽ không đạt được, yêu cầu tăng tỷ lệ bao phủ BHXH sẽ rất chậm thay đổi, cải thiện.
Về hai phương án Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, ông Lợi cho hay, cả hai hướng đề xuất đều có ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, phương án thứ nhất, để người lao động được rút phổ biến như hiện nay sẽ rất nguy hiểm.
“Người lao động lấy khoản tiền đóng BHXH ra dùng hôm nay thì mai sau, khi cần sẽ không có gì để lo. Việc rút bảo hiểm một lần chỉ giúp giải quyết được khó khăn trước mắt về nhà cửa, gia đình, cuộc sống… nhưng khi về già, người đó sẽ không có nguồn sống đảm bảo.
Quan trọng hơn, với người hưởng chế độ hưu trí ngoài lương hưu còn được cấp cả thẻ BHYT miễn phí hay nói cách khác là vừa có ăn, vừa được chăm lo sức khỏe”, ông Lợi phân tích.
Với hướng đề xuất thứ 2, cho rút 50% và 50% để lại, ông Lợi cho rằng, phương án này chỉ tốt trong thời điểm hiện tại. Người lao động gặp khó khăn nên muốn rút một lần BHXH nhưng nếu rút hết mà không để dành lại thì về sau rất khổ vì làm sao có thể chắc chắn được sau này sẽ không gặp khó khăn tiếp nữa.
“Khó khăn hôm nay có thể là trước mắt còn lâu dài sẽ còn khó khăn nữa. Vì thế, việc đề xuất cho rút 50% khoản đã tham gia, còn giữ lại 50% là hợp lý. 50% giữ lại này sẽ được bảo lưu, không mất đi và sẽ vẫn sẽ được tăng lên khi bảo hiểm xã hội mang đi đầu tư.
Nếu chẳng may người lao động mất thì vẫn được hưởng trợ cấp mai táng phí, được lấy lại tiền này hoặc lấy tuất thường xuyên cho bố mẹ hết tuổi lao động, con chưa đến tuổi lao động”, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chỉ rõ.
Chính sách hỗ trợ để tránh cảnh “bán lúa non”
Liên quan đến vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Minh Huân cho biết, mục tiêu của bảo hiểm hưu trí là tích lũy cả đời. Khi người lao động có việc làm, thu nhập phải tiết kiệm, tích lũy lại để đến tuổi không còn khả năng lao động, họ vẫn có một khoản để trang trải cuộc sống.
Nhìn kinh nghiệm của các quốc gia, ông Huân nói, nhiều nước hạn chế rút BHXH một lần bởi việc rút BHXH một lần ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh của người rút.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Minh Huân.
“Do nhu cầu trước mắt nên người lao động mới rút BHXH nhưng đến khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động thì lấy nguồn sống ở đâu để sinh sống? Suy cho cùng, chính sách hạn chế rút BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh lâu dài của người lao động”, ông Huân nhận định.
Liên quan đến 2 phương án đề xuất về việc hưởng BHXH một lần đang được lấy ý kiến, ông Huân phân tích, với phương án một – giữ nguyên quy định hiện hành thì số người rút BHXH một lần vẫn tiếp tục gia tăng, mục tiêu bao phủ của bảo hiểm xã hội sẽ khó đạt được. Khi cứ 2 người vào hệ thống BHXH mà 1 người lại rút ra thì lưới an sinh rất mỏng.
Theo ông Huân, các phương án đưa ra đều có thể nhận phản ứng của người lao động. Vì vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được đây là chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo cho cuộc sống về già của người lao động.
Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội phải minh bạch nguồn tiền người lao động đóng vào, đảm bảo bù đắp trượt giá, đầu tư sinh lời, làm cho mức lương hưu tăng dần lên. Đây là yếu tố giúp người dân yên tâm.
“Thực tế cuộc sống khó khăn, nhiều người lao động không biết bám víu vào đâu nên chỉ trông chờ vào khoản tiền đóng BHXH. Sau này, các cơ quan liên quan cần tính toán để có chính sách tín dụng nào đó hỗ trợ để người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn có thể vay mượn với lãi suất thấp, để trang trải được cuộc sống tạm thời và không nghĩ đến việc rút BHXH một lần”, ông Huân nói.