Mong mỏi về bảng lương chi tiết
Những ngày tháng 6, ngoài công việc, vấn đề anh Thiện Huy (công chức tại UBND một phường trên địa bàn Hà Nội) quan tâm nhất là việc thực hiện cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, anh cho biết đến nay vẫn chưa có thêm thông tin cụ thể, hay văn bản hướng dẫn về chế độ tiền lương mới. Chính vì vậy, cán bộ, công chức ở phường anh làm việc ai cũng ngóng trông quy định chi tiết bảng lương mới.
Anh Huy mong muốn được tăng lương, thêm chi phí trang trải cuộc sống. Bởi 9 năm làm công chức bộ phận một cửa tại phường, lương tháng của anh mới đạt mức hơn 5 triệu đồng.
May thay gia đình ở Hà Nội không mất chi phí thuê nhà, anh cùng vợ làm giáo viên nên cũng đủ kinh tế chăm lo cho gia đình. Anh mong muốn tiền lương được bằng nhóm lao động có trình độ trong khu vực doanh nghiệp để có thể yên tâm công tác.
Công chức mong mỏi về chế độ tiền lương mới (Ảnh minh họa: HQ).
Còn anh V.X.C. là viên chức trong một đơn vị tự chủ một phần, hưởng lương ngân sách nhà nước cũng đang “sốt ruột” chờ đợi chính sách cải cách tiền lương được áp dụng. Anh cho biết, trong cơ quan mọi người “kháo” nhau về chính sách tiền lương mới trả lương theo vị trí việc làm, bỏ lương cơ sở.
Song, đến nay, chưa công chức, viên chức nào trong cơ quan anh C. được nhìn thấy văn bản hướng dẫn về chế độ tiền lương mới. Theo dõi thông tin qua phương tiện truyền thông, anh được biết mức tăng lương trung bình tới đây lên đến 30%.
Chính vì vậy, anh cũng như nhiều viên chức khác tò mò về hệ thống bảng lương mới cụ thể ra sao, thay đổi nhiều so với những quy định hiện hành.
Anh Phạm Vũ Sơn, công chức văn hóa xã hội của UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nắm được tinh thần chung sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7. Tuy nhiên, đến nay, anh chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ bộ phận văn phòng, kế toán của đơn vị.
Với mức lương vỏn vẹn 6,2 triệu đồng, anh cho biết số tiền trên nhận chưa được bao lâu đã chi tiêu hết cho sinh hoạt trong gia đình. Trong khi lương chưa tăng, mọi người đã than vãn câu chuyện giá cả tăng theo.
Chính vì vậy, anh Sơn mong muốn tăng lương đi kèm với kiểm soát giá cả sinh hoạt. Như vậy, đồng lương tăng thêm mới có ý nghĩa, không chỉ bù trượt giá.
Dành 680.000 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương
Mới đây, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Quốc hội, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc cải cách tiền lương sắp thực hiện và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương với khu vực công này.
Đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Theo đại biểu, sớm công bố phương án sẽ giúp các địa phương có cơ sở xây dựng các văn bản sửa đổi những chính sách hiện hành lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính.
Đồng thời, có thang bảng lương mới thì sẽ hoàn thiện được văn bản hướng dẫn liên quan chế độ, chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ từ 1/7.
Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cho biết, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Tại hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác tháng 6 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tập trung cho công tác hoàn thiện xây dựng thể chế, trong đó có nội dung hoàn thiện hồ sơ trình Báo cáo Bộ Chính trị về cải cách tiền lương. Đồng thời tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn các nội dung cải cách tiền lương.
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, từ ngày 1/7 sẽ thực hiện cải cách tiền lương.
Theo Nghị quyết 27, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.
Thay vào đó, nhà nước xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).
Như vậy, sau khi cải cách tiền lương, lương cơ bản của công chức viên chức sẽ chiếm khoảng 70% tổng lương.