Thông tin trên được Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý III/2024 chiều 3.10. Trước đó, Báo Lao Động phản ánh về việc nhiều người lao động kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (Educa Việt Nam) vào đêm 22.9 vì đến phút chót không thể xuất cảnh đi Hàn Quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, cơ quan công an chưa nhận được đơn trình báo của bị hại. Dù vậy, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, các cán bộ của Công an quận Cầu Giấy phải nắm bắt vụ việc, nắm bắt tình hình công ty và lãnh đạo công ty để có biện pháp xử lý.
Nhiều người lao động có mặt tại trước sảnh Công ty Educa Việt Nam trên phố Duy Tân vào đêm 22.9. Ảnh: Vân Đức
Theo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty Educa Việt Nam là ông Hoàng Trung Kiên, sinh năm 1975. Việc cơ quan công an nắm bắt tình hình công ty để phòng trường hợp sau này khi có đơn tố cáo của bị hại mà đối tượng lại không tìm thấy.
“Việc này chúng tôi đã thực hiện đúng quy định. Tôi đã yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Cầu Giấy tiến hành thụ lý việc, báo cáo thường xuyên với Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hà Nội để chúng tôi có ý kiến chỉ đạo thực hiện, xử lý nghiêm trong thời gian sớm nhất”, Thiếu tướng Tùng cho hay.
Theo Thiếu tướng Tùng, hành vi môi giới lao động đi nước ngoài, nhưng không được cấp phép diễn ra khá nhiều, Công an Thành phố Hà Nội đều khởi tố, bắt giam, xử lý khung hình phạt rất lớn, đó là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Chúng tôi xử lý rất nghiêm minh, triệt để, thu hồi tài sản cho bị hại, quan điểm của chúng tôi là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đặc biệt trong việc môi giới người lao động”, ông Tùng cho hay.
Liên quan đến sự việc này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có công văn hỏa tốc gửi Công an Thành phố Hà Nội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội, trong đó đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thông tin Báo Lao Động đăng tải liên quan tới Công ty Educa Việt Nam.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội đã đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hai quận Cầu Giấy và Long Biên tìm hiểu, xác minh nội dung theo đề nghị của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, gửi báo cáo cho Sở trong ngày 28.9.
Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu, Công ty Educa Việt Nam không được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Đây là vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài”, công văn nêu.
Do vậy, để kịp thời xử lý vụ việc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin và đề nghị Công an Thành phố Hà Nội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Báo Lao Động phản ánh, đêm 22.9, rạng sáng 23.9, hàng trăm người lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc qua đơn vị môi giới là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (Công ty Educa Việt Nam) đã có mặt tại trụ sở công ty (địa chỉ số 78 Duy Tân, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội), thắc mắc việc vì sao họ không thể bay được sang Hàn Quốc.
Trao đổi với Lao Động, anh Tiến (huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội) cho hay, Công ty Educa Việt Nam đưa người lao động sang Hàn Quốc làm nghề xây dựng. Tuy nhiên, đến sát giờ bay, người lao động không thể đi được, nhiều người ở Thanh Hóa, Nghệ An nán lại trước cổng công ty.
Không ít người bức xúc và cho rằng, phía công ty có dấu hiệu lừa đảo.
Ngay sau khi người lao động tụ tập tại trụ sở Công ty Educa Việt Nam để đòi quyền lợi, ban lãnh đạo công ty này đã hoàn trả chi phí cho người lao động căn cứ theo phiếu thu.