Còn đó nỗi lo lớn ở “rốn lũ”

Còn đó nỗi lo lớn ở “rốn lũ”

Biên phòng – Hơn 6 tháng sau trận lũ quét kinh hoàng, người dân bản Hòa Sơn và Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang từng bước ổn định cuộc sống. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhiều gia đình chủ động nguồn vốn khôi phục lại đất sản xuất để canh tác, trồng trọt. Tuy nhiên, ở “rốn lũ” vẫn còn những gia đình bị thiệt hại nặng đang mòn mỏi chờ đợi được tổ chức tái định cư đến nơi ở mới, nhất là khi mùa mưa lũ lại đang đến gần.


Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hường và ông Vi Văn Khuyên vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được tái định cư. Ảnh: Viết Lam

Nỗ lực ổn định lại cuộc sống

Trở lại “rốn lũ” Hòa Sơn và Sơn Hà, dấu tích của đợt thiên tai kinh hoàng vào tháng 10/2022 vẫn còn hiện hữu rõ nét trên những con đường, ngôi nhà. Thế nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn đang nỗ lực từng bước ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình chủ động sửa sang lại nhà cửa, chuồng trại, cải tạo đất nông nghiệp vốn ít ỏi để chăn nuôi, trồng trọt.

Đang đều tay cấy rau muống xuống thửa ruộng vừa được cải tạo xong, chị Vi Thị Hoa, ở bản Hòa Sơn chia sẻ rằng, trước đây, cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào diện tích ruộng, vườn chạy dọc theo dòng suối Huồi Giảng. Trên diện tích đất khá rộng lớn, chị chia nhỏ thành các khu vực khác nhau để trồng lúa nước đảm bảo lương thực, các loại rau khác, rồi dựng chuồng chăn nuôi lợn. Nhờ khéo léo tính toán, chăm chỉ lao động, cuộc sống của gia đình cũng được đảm bảo.

Thế nhưng trận lũ quét lịch sử xảy ra trên địa bàn vào tháng 10/2022 đã lấy đi gần như tất cả sinh kế của gia đình, chuồng lợn bị cuốn trôi, ruộng vườn bị đất, đá kéo về phủ một lớp dày. Tuy nhiên, theo chị Hoa, gia đình chị vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ dân khác trong bản khi ngôi nhà chỉ bị hư hại nhẹ.

Ngay sau lũ đi qua, các gia đình đồng bào dân tộc Thái nhanh chóng bắt tay sửa chữa nhà cửa, họ cũng vay mượn một số tiền lớn thuê máy móc cải tạo lại đất đai trong khu vườn. “Theo đánh giá của chính quyền địa phương, ngôi nhà của gia đình ở vị trí an toàn chưa thuộc diện tái định cư đi nơi khác. Chính vì thế, tôi đã bàn bạc với chồng vay mượn tiền để cải tạo lại đất tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Không trồng được lúa, tôi trồng thêm các loại rau để mang ra chợ bán và làm thức ăn để chăn nuôi lợn, gà, hy vọng những khó khăn sẽ dần qua đi” – chị Hoa chia sẻ.

Sau trận lũ quét tàn phá, nguồn sinh kế của nhiều gia đình ở bản Hòa Sơn và Sơn Hà bị ảnh hưởng nặng nề và gần như không thể khắc phục. Chính vì thế, đã có không ít trường hợp người dân chọn cách ly hương tìm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp. “Sau khi lũ đi qua, chúng tôi đã tập trung sửa sang lại nhà cửa, gửi con cho người thân để đi làm ăn xa. Dù cách trở nhưng có việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định để gửi về cho con cái được học hành” – ông Vừ Nhìa Thái, ở bản Sơn Hà đang làm việc tại một xí nghiệp ở tỉnh Bình Dương chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại.

Mong mỏi chờ tái định cư

Những ngày cuối tháng 4/2023, trên con đường dẫn vào trung tâm bản Hòa Sơn, chúng tôi tình cờ gặp lại vợ chồng bà Nguyễn Thị Hường và ông Vi Văn Khuyên, một trong những gia đình có nhà bị hư hại hoàn toàn trong đợt thiên tai lịch sử. Đến nay, vợ chồng họ đang ở trong ngôi nhà tạm được dựng lên trên mảnh đất được bà con bản cho mượn. Căn nhà chật hẹp, xung quanh quây tôn và gỗ, trên lợp Fibro xi măng nóng như hầm vào những ngày Hè oi bức.

Bà Hường chia sẻ: “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết bao giờ được tổ chức tái định cư và sẽ tái định cư ở đâu? Chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải đi viện điều trị, lại ở trong ngôi nhà tạm chật hẹp, nóng bức nên rất khó hồi phục sức khỏe”.


Chị Vi Thị Hoa nỗ lực ổn định cuộc sống sau lũ. Ảnh: Viết Lam

Trở lại với thời điểm sau khi xảy ra trận lũ lịch sử, các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP Nghệ An đã kề vai sát cánh hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã lên Kỳ Sơn chia sẻ, động viên với người dân vùng lũ, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với huyện Kỳ Sơn khẩn trương rà soát triển khai dự án tái định cư cho các hộ gia đình bị thiệt hại.

Trên cơ sở đó, ngày 31/12/2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ”. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 94 tỷ đồng, bao gồm nguồn hỗ trợ từ vốn ngân sách tỉnh là 30 tỷ đồng, từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An là 25 tỷ đồng, từ hỗ trợ của doanh nghiệp là 10 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trước mắt, giai đoạn 1 sẽ bố trí 35 tỷ đồng để triển khai tái định cư tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, thời gian thực hiện từ năm 2022-2023. Dự kiến ban đầu, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 6-9 tháng để người dân có thể về ở trước mùa mưa bão năm 2023, tuy nhiên trên thực tế, đến cuối tháng 4/2023, chính quyền địa phương vẫn chưa thể khởi công.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Lúc đầu, huyện xác định thời gian khoảng 6-9 tháng là làm xong khu tái định cư, nhưng quá trình triển khai đến bây giờ còn phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn của các ngành. Tại thời điểm này, chúng tôi cũng chưa thể khẳng định lúc nào làm được, vì huyện không quyết định được thời gian. Chỉ còn khoảng 2 tháng là đến mùa mưa, chúng tôi cũng rất mong các ngành nhanh chóng xúc tiến các thủ tục để sớm có kinh phí triển khai”.

Ông Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn chia sẻ, trong trận lũ quét có hàng chục hộ dân mất nhà, nhiều hộ dân khác nằm trong diện nguy cơ bị sạt lở đất đe dọa. Quá trình làm công tác tư tưởng, bước đầu, có trên 70 hộ dân đăng ký chuyển đến vùng tái định cư, tuy nhiên, do chờ đợi quá lâu nên nhiều hộ đã thay đổi quyết định, một số ở lại, số khác tự tìm nơi ở mới.

Viết Lam