Cơ hội cho “cô Thắm”
Đầu tháng 8, chúng tôi có dịp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp để tìm hiểu thị trường lao động và nguồn nhân lực tại địa phương. Đi qua từng phòng giới thiệu việc làm, lớp học cho người lao động (NLĐ), chúng tôi đặc biệt ấn tượng với lớp của cô giáo trẻ Trang Thị Hồng Thắm (sinh năm 1998, huyện Lai Vung) bởi trước đó, chị cũng từng là học viên ở đây.
“Năm 18 tuổi, do gia đình khó khăn, tôi gác lại giấc mơ đại học. Khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 ở nước ngoài, tôi vất vả lắm nhưng may mắn được công ty hỗ trợ tăng ca nên hàng tháng đều gửi tiền về cho cha mẹ. Sau 4 năm làm việc, tôi gửi về nhà được hơn 700 triệu đồng trả nợ, cất nhà và nuôi em đi học” – chị Thắm chia sẻ.
Chị Thắm trong buổi dạy tiếng Nhật cho NLĐ chuẩn bị đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng. Ảnh: Phong LinhChị Trang Thị Hồng Thắm. Ảnh: Phong Linh
Sau dịch bệnh, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh, Trung tâm DVVL Đồng Tháp đã đến gặp gỡ, thăm hỏi, động viên NLĐ ở địa phương làm việc có thời hạn ở Nhật Bản. Mặc dù không có cơ hội gặp gỡ “đồng hương” nhưng thông qua sự lan tỏa trong cộng đồng người Việt đang làm việc trên xứ Hoa Anh đào, chị Thắm cảm thấy rất ấm lòng. Đó cũng là động lực giúp cô gái nhỏ nhắn tăng công suất làm việc 3 ca/ngày.
Ngày về nước, chị Thắm cảm giác như nhân vật chính trong nhạc phẩm nổi tiếng “Cô Thắm về làng”. Không chỉ được gia đình, dòng họ, xóm làng đón nhận, chị Thắm còn được Công ty Cổ phần Nhân lực quốc tế Hưng Thịnh (trụ sở tại Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) nhận vào làm việc với vị trí giáo viên dạy tiếng Nhật cho thực tập sinh, mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
“Từ hối tiếc, giờ tôi cảm thấy mình có nhiều cơ hội hơn cả những gì đã nghĩ khi bước vào giảng đường trước đó. Hiện tôi có bằng N3 và đang theo học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trước mắt, tôi nỗ lực truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, nhiệt huyết cho các bạn trẻ khác. Về lâu dài, tôi muốn mở trung tâm ngôn ngữ để làm chủ bản thân và tạo cơ hội cho nhiều bạn có việc làm ổn định” – chị Thắm nói thêm.
Quà kỷ niệm của đồng nghiệp ở Nhật Bản tặng chị Thắm. Ảnh: Phong Linh.
Trực tiếp học tiếng Nhật từ giáo viên trẻ Hồng Thắm tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp để chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc, anh Nguyễn Trường Duy (huyện Tam Nông) bày tỏ: “Ngọn lửa động lực từ cô Thắm giúp tôi hạ quyết tâm sẽ học và làm thật tốt, tiết kiệm chi tiêu để tích lũy vốn về nước mở xưởng xe ôtô”.
Truyền động lực cho gia đình
Chúng tôi theo chân chị Thắm về thăm ngôi nhà khang trang ở xã Hòa Long (huyện Lai Vung). Gặp chúng tôi, ông Trang Anh Tuấn – cha chị Thắm – chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng buồn vì không lo được cho con học đến nơi đến chốn mà phải bỏ giấc mơ đại học giữa chừng để sang nước ngoài làm việc đỡ đần gia đình. Sau này, khi con qua Nhật Bản làm việc và gửi tiền về hàng tháng, vợ chồng tôi tự nhủ phải quyết tâm làm ăn, cùng con phấn đấu”.
Dẫn chúng tôi xem ngôi nhà bê tông 1 trệt 1 lầu rồi xe ôtô 4 chỗ và xe tải làm dịch vụ… ông Tuấn tự hào chia sẻ: “Tất cả là của Thắm gửi về trong khoảng thời gian đi làm việc”. Trước lúc chia tay, ông Tuấn còn bật mí dự định mua thêm 1 xe ôtô 7 chỗ để mở rộng dịch vụ.
Ông Tuấn (bìa trái) chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Phong LinhCha con chị Thắm rạng rỡ trên chiếc ôtô của gia đình. Ảnh: Phong Linh
“Cái quý nhất ở đây không phải là tiền mà là kinh nghiệm, bởi sau khi đi nước ngoài về, con gái tôi dạn dĩ hơn, không còn rụt rè và thoải mái thể hiện bản thân và tự tin trước mọi người” – ông Tuấn hạnh phúc nói.
Bà Trần Thị Ngọc Ái – Trưởng phòng Cung ứng lao động, Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Tháp – thông tin: “Đi làm thuê, về làm chủ không chỉ thể hiện việc làm chủ một công ty, một cơ sở nào đó mà còn ngụ ý làm chủ chính mình, làm chủ công việc, cuộc sống… để họ có thêm một trang mới cho cuộc đời, có được vốn liếng và kinh nghiệm quý báu lập thân, lập nghiệp”.