Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là những quy hoạch quan trọng, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội cũng như việc thu hút đầu tư tại các địa phương.
Đến nay, có 58 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Ảnh: Lê Phước Bình
58 quy hoạch tỉnh được phê duyệt
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay đã có 106 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong, trong đó có 82 quy hoạch đã được phê duyệt.
82 quy hoạch đã được phê duyệt gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; 21 quy hoạch ngành quốc gia; 1 quy hoạch vùng; 58 quy hoạch tỉnh.
Đối với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tổ chức công bố, công khai theo quy định của pháp luật về quy hoạch; khẩn trương rà soát, chỉnh lý hồ sơ, đảm bảo thống nhất với quyết định phê duyệt; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định.
Đối với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đã thẩm định xong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước ngày 30/6/2024.
Đối với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đã trình thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị khẩn trương tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước ngày 30/6/2024.
Đối với các quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương tổ chức công bố, công khai theo quy định của pháp luật; rà soát, chỉnh lý hồ sơ, đảm bảo thống nhất với quyết định phê duyệt; cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định.
Đối với các quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước ngày 30/6. Trong đó có nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các quy hoạch tỉnh chưa trình thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị khẩn trương tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước ngày 30/6. Trong đó có nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khuôn khổ sự kiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng.
Nhiều quy hoạch vùng sẽ được phê duyệt trong tháng 4/2024?
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thường trực Chính phủ đối với loạt quy hoạch vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, bố trí nội dung quy hoạch rõ ràng, mạch lạc hơn theo tổ chức các không gian.
Trong đó lưu ý, không gian phát triển giao thông hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, có tầm nhìn xa. Đối với bến cảng trung chuyển Cần Giờ, trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, nghiên cứu xem xét lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực kinh nghiệm, đầu tư tổng thể nhằm phát huy tối đa năng lực khai thác của hệ thống cảng biển, cạnh tranh lành mạnh với các cảng biển trong khu vực và vùng Đông Nam Á.
Thường trực Chính phủ cũng lưu ý, không gian phát triển đô thị mang tính bền vững, gắn với môi trường sinh thái; không gian phát triển giáo dục hướng tới phát triển các trường đại học mang tầm cỡ quốc tế;….
Bên cạnh đó, nghiên cứu, làm rõ thêm vị trí, vai trò động lực của “Đô thị sân bay Long Thành” trong khu vực, là đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, cùng với các đô thị Nhơn Trạch, TP.HCM, TP. Vũng Tàu thành cụm đô thị cửa ngõ của vùng kết nối với quốc tế cả về đường không và đường biển;…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2024.
Đối với quy hoạch Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát nội dung các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với vùng.
Trên cơ sở đó, Quy hoạch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung phải xác định được tầm quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của Vùng. Từ đó, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển Vùng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể cho việc phát triển hệ thống cảng biển để đẩy mạnh kinh tế biển; khôi phục hệ thống sân bay lưỡng dụng, trong đó phát triển sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển quốc tế; đẩy mạnh đột phá về khoa học công nghệ phù hợp với phát triển kinh tế của vùng; phát triển du lịch biển, phát huy tiềm năng khai thác các di tích lịch sử, văn hóa;…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2024.
Đối với Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể để phát triển liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ; đảm bảo kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, tạo thương hiệu cho du lịch vùng. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu, tuyến du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bản sắc văn hóa của vùng.
Cùng với đó, cần xác định rõ tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, các sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite.
Trên cơ sở rà soát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt,….
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2024.
Ngay sau khi quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm đến các địa phương để đề xuất nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn.
Đơn cử, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 21 dự án.
Trong đó, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng và văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng.
Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 diễn ra vào ngày 3/3 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã trao quyết định Chủ trương đầu tư và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng; 5 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn dự kiến 128.800 tỷ đồng.