Biên phòng – “Đèo cao thì mặc đèo cao/Trèo lên đến đỉnh ta cao hơn đèo”. Câu thơ thật đúng với đoàn công tác chúng tôi khi lên thăm Trạm Biên phòng Nậm Lạnh, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La. Con đường dài 25km từ đồn Biên phòng lên biên giới toàn dốc ngược. Đèo “Tin toốc”, dù đã được trải nhựa nhưng rất nhỏ, quanh co, khúc khuỷu. Nhiều đoạn cua gấp, khiến người ngồi trên xe nhiều lúc cảm thấy thót tim. Thật đúng với tên gọi của nó: “tin toốc” – rơi chân – ý nói đèo dài và cao quá, khiến cái chân cũng muốn rời ra khỏi cơ thể. Bù lại, giữa ngày hè oi ả, xe càng lên cao, gió càng lộng và vô cùng mát mẻ. Mọi người đề nghị lái xe tắt điều hòa, mở cửa sổ để lấy khí trời…
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La tuần tra biên giới. Ảnh: Hoàng Minh
Lên đến trạm cũng là lúc đường biên giới Việt Nam – Lào hiện ra trước mặt. Vẫn con đường đó, vẫn bầu trời đó, vẫn ngọn núi đó, cỏ cây đó… đâu có gì khác? Nhưng rất rõ ràng. Chung nhau một ngọn núi, bên này là đất Việt Nam và phía bên kia thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Điểm cao 1428 thuộc dãy Pá Lông trùng điệp trở thành một điểm mốc trên đường phân chia lãnh thổ hai quốc gia. Giữa sân trạm Biên phòng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật. Cách đó không xa, quốc kỳ của bạn, với hình ảnh ánh trăng rằm rực rỡ giữa dải xanh và hai dải màu đỏ cũng đang no gió. Trạm Biên phòng của bạn, với kiến trúc đặc trưng của các bộ tộc Lào hiện lên thật lung linh và khiêm nhường ngay cạnh con đường nối giữa hai đất nước. Một cảm xúc thật thiêng liêng xuất hiện trong suy nghĩ của mỗi thành viên trong đoàn.
Với tôi, một người lính tình nguyện, đã từng vượt qua biên giới quốc gia, tham gia chiến đấu, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot 43 năm trước, cảm xúc khi bước chân trên đường biên giới thật đặc biệt. Từ đường biên, xoay mặt ngắm nhìn về đất Mẹ mới thấy núi non trùng điệp. Một màu xanh kỳ vĩ với những dãy núi xa xa, như một dải lụa xanh hiện lên trước mắt mình. Đẹp quá. Vĩ đại quá Tổ quốc Việt Nam ơi…
Các chiến sĩ trên trạm Biên phòng đón đoàn chúng tôi đến như đón người thân. Tiếng nói, tiếng cười ríu rít, những cái nắm tay, những cái ôm siết chặt. Chẳng còn khoảng cách giữa chủ và khách. Tất cả đều như đang tham gia vào một ngày hội – Ngày hội của tình đoàn kết quân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh giúp nhân dân địa phương khơi thông kênh mương thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Minh
Qua câu chuyện của các anh, chúng tôi được biết: Đóng quân trên địa bàn xã Nậm Lạnh, một xã khu vực 3 của huyện biên giới Sốp Cộp, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh có nhiệm vụ quản lý 25km đường biên, 12 cột mốc thuộc địa bàn hai xã Nậm Lạnh và Mường Và, giáp với huyện Mường Son, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào anh em. Đồng bào các dân tộc thuộc địa bàn quản lý của đồn chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào. Bà con các dân tộc sống đan xen thành làng bản, dân cư thưa thớt, mật độ dân số chỉ khoảng hơn 20 người/km2.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, các tuyến giao thông chính trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường xuống bản vẫn rất xấu, đời sống nhân dân tuy đã được cải thiện, nhưng do điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, nhận thức của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, nên thu nhập của đồng bào vẫn chủ yếu dựa vào nương rẫy, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Với khẩu hiệu “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, những năm qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên giới, luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ; sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc; luôn phát huy vai trò xung kích, sáng tạo thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, tham gia đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo tại các bản đặc biệt khó khăn, tăng cường nhận thức cho đồng bào các dân tộc về quy chế biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn Lào anh em.
Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cũng là trung tâm tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa giữa bộ đội, nhân dân các bản biên giới với các bản giáp ranh, các đơn vị Biên phòng của bạn thuộc Cụm Biên phòng Mường Pợ, Mường Cẩu…, góp phần rất quan trọng tăng cường, củng cố tình đoàn kết và mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ bình yên vùng biên cương Tổ quốc, là chỗ dựa tin cậy của đồng bào các dân tộc.
Đồn Biên phòng Nậm Lạnh tổ chức lớp học xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn phụ trách. Ảnh: Hoàng Minh
Nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cũng như của toàn thể cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La đã góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới, từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình ấm no, hạnh phúc. Những việc làm cụ thể, thiết thực đó đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới, tăng cường mối đoàn kết quân – dân trên khu vực biên giới…
Đêm chia tay cán bộ, chiến sĩ của Trạm Biên phòng Nậm Lạnh và Đồn Biên phòng Nậm Lạnh là một đêm vui bất tận. Cuộc sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng ý chí, bản lĩnh của các anh đã truyền cho chúng tôi những suy nghĩ và lẽ sống thật tuyệt vời. Giữa những cái ôm và bàn tay siết chặt, trong tôi vang lên lời của bài hát:
“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về một rừng cây… Ai cũng tìm việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?”.
Và tôi hát.
Và tôi khóc.
Những giọt nước mắt đã rơi giữa vòng tay đồng đội.
Nguyễn Vũ Điền