Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng – Thời gian vừa qua, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con người dân tộc thiểu số (DTTS). Từ công tác đào tạo nghề, nhiều người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định, vươn lên làm chủ cuộc sống.


Tổ viên Tổ hợp tác xây dựng buôn Tuor B, xã Dray Sáp thi công công trình nhà ở cho hộ dân trên địa bàn xã. Ảnh: Lê Hường

Huyện Krông Ana có 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỉ lệ 23,54%. Chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS, hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện Krông Ana đã hình thành nhiều tổ hợp tác nghề tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động người đồng bào DTTS.

Điển hình như Tổ hợp tác xây dựng buôn Tuor B, xã Dray Sáp được thành lập năm 2020, với 12 tổ viên đã được học nghề xây dựng và bồi dưỡng tay nghề theo các chương trình, chính sách. Với đội ngũ có tay nghề, Tổ hợp tác nhận được việc đều đặn, các tổ viên thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế.

Ông Y Kun Kbuôr, Tổ trưởng Tổ hợp tác xây dựng buôn Tuor B cho biết: Các tổ viên Tổ hợp tác đều được đào tạo qua các lớp dạy nghề, một số tổ viên còn tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, tổ còn được hỗ trợ 1 máy trộn, 10 bộ giàn giáo nên công việc càng thuận lợi hơn. Tổ của mình không chỉ xây dựng ở địa phương, mà còn được người dân các xã lân cận tin tưởng ký kết xây dựng công trình. Có tay nghề nên tổ nhận được nhiều công trình, tổ viên có việc đều, thu nhập ổn định. So với ngày trước làm rẫy, thì học nghề và làm nghề thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển hơn.

“Ngoài thành viên chính thức, tổ còn có 20 thợ phụ, thời điểm nhiều việc, tổ chia làm 2 – 3 tốp thợ. Tổ hợp tác của mình bây giờ nhận từ xây dựng cơ bản đến hoàn thành nhà luôn. Trong gần 4 năm hoạt động, tổ đã nhận thầu 31 công trình từ tường rào, nhà chăn nuôi đến nhà ở” – ông Y Kun Kbuôr giãi bày.

Tương tự, những năm gần đây, các thành viên Tổ hợp tác xây dựng buôn Ea Căm, thị trấn Buôn Trấp cũng có công việc và nguồn thu nhập ổn định. Anh Y Nghiêm Byă, Tổ trưởng Tổ hợp tác xây dựng buôn Ea Căm chia sẻ: “Tổ được thành lập năm 2021 với 10 thành viên, tất cả đều đã được học nghề xây dựng tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp của huyện. Nhờ được đào tạo nghề, được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ xây dựng, tổ viên có việc làm, thu nhập ổn định, trung bình mỗi tháng 5-6 triệu đồng”.

Không riêng Tổ hợp tác xây dựng buôn Tuor B, Tổ hợp tác xây dựng buôn Ea Căm, những năm qua, huyện Krông Ana đã thành lập 6 Tổ hợp tác xây dựng, Tổ hợp tác may mặc với 89 thành viên. Nhờ được đào tạo nghề, được hỗ trợ trang thiết bị, các Tổ hợp tác có việc làm thường xuyên và thu nhập khá ổn định, bình quân từ 6 triệu đồng/tháng trở lên.

Ngoài đào tạo các nghề xây dựng, may mặc, gò hàn, huyện Krông Ana cũng xây dựng nhiều mô hình phát triển nông nghiệp như mô hình tái canh cây cà phê theo hướng xen canh cây sầu riêng tại 4 buôn đồng bào DTTS tại chỗ, với tổng diện tích 16ha, gần 40 hộ dân tham gia; mô hình thâm canh cây lúa nước với 47 hộ dân tham gia… Qua đó, hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật xen canh, tăng năng suất, hiệu quả.


Được hỗ trợ giống và đào tạo kỹ thuật, cánh đồng lúa của đồng bào Ê Đê ở xã Ea Bông cho năng suất cao. Ảnh: Lê Hường

Chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là người DTTS, trong 3 năm (2021-2023), huyện Krông Ana đã tổ chức 26 lớp dạy nghề với 810 học viên. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,68%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25,2%. Ngoài ra, huyện còn mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các mô hình Tổ hợp tác may mặc, Tổ hợp tác xây dựng và nghề hàn điện.

Có thể nói, huyện Krông Ana đã làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm, góp phần không nhỏ vào việc giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS. Cụ thể, năm 2020, toàn huyện có 1.254 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,81%, trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS 696 hộ, chiếm hơn một nửa số hộ nghèo toàn huyện. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 808 hộ, trong đó, hộ nghèo DTTS 483 hộ.

Bà H’Ban Niê Kđăm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề, đặt mục tiêu đến năm 2029, sẽ có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau đào tạo; hơn 89% và 95% người lao động DTTS được tiếp cận thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu xuất khẩu lao động”.

Lê Hường