Điều đáng nói là nạn nhân bị tai nạn khi đang dừng chờ đèn đỏ, chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ. Và một điều khiến dư luận bức xúc, quan ngại nữa, đó là những người gây ra vụ tai nạn chết người này đều còn rất trẻ (16 – 19 tuổi), không đội mũ bảo hiểm, không có bằng lái xe, tham gia đoàn 20 – 30 phương tiện di chuyển với tốc độ cao, không làm chủ được tốc độ…
Đại diện cơ quan công an khẳng định, đây là nhóm thanh, thiếu niên có hành vi tụ tập, điều khiển phương tiện đi với tốc độ cao. Dễ thấy là bên cạnh sự thiếu hiểu biết, thậm chí bất chấp pháp luật của các thanh, thiếu niên này, còn có sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình, nhất là việc mua sắm phương tiện và giao cho con điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
Hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập, điều khiển phương tiện với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và chính bản thân mình, nhất là vào đêm khuya, sáng sớm không phải mới xuất hiện. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tổ chức các tổ tuần tra, lập chốt quây bắt, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm nhưng thật khó có thể căng mình hằng ngày để xử lý dứt điểm. Thanh, thiếu niên “dư thừa năng lượng”, lại non vốn sống, dễ bị kích động bởi tâm lý đám đông ở tuổi mới lớn. Vấn đề đặt ra là phải hiểu và có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp để các bạn trẻ sử dụng năng lượng vào những việc hữu ích cho xã hội, thay vì những trò vô bổ, thậm chí nguy hại, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của bản thân và người khác. Và hơn ai hết, chính mỗi gia đình có trách nhiệm hàng đầu trong việc quản lý, giáo dục con cái, thay vì phó mặc cho xã hội, để khi vụ việc đáng tiếc xảy ra thì chỉ biết xin lỗi, “con dại, cái mang”…
Đúng là khi con cái có hành vi sai trái, thiếu hiểu biết dẫn đến gây thiệt hại, ảnh hưởng cho người khác thì bố mẹ phải có trách nhiệm, gánh chịu hậu quả xấu mà chúng để lại. Điều đó cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, với người khác. Nhưng, nếu thể hiện trách nhiệm sớm hơn, chủ động hơn để hạn chế những “sự đã rồi” thì chắc hẳn sẽ tốt hơn. Lâu nay, dư luận dường như đã quen với câu “cháu ở nhà ngoan lắm” mà không ít phụ huynh trình bày, giải thích khi con cái “gây chuyện” ở nhà trường, xã hội. Nói là ngụy biện thì hơi quá, nhưng có thể thấy, ở đây dường như có sự thiếu quan tâm quản lý con cái và đó chính là nguyên dân dẫn đến các vụ lấy xe máy tụ tập phóng nhanh, vượt ẩu, bạo lực học đường…
Thay vì “con hát mẹ khen” rồi è lưng ra gánh chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái của con cái, người lớn cần thay đổi tư duy giáo dục con cái, làm cho con trẻ nhận thức sâu sắc là phải có trách nhiệm với hành vi của bản thân. Và hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh phải nêu gương trong chấp hành các quy định của pháp luật, không “tiếp tay” cho con cái vi phạm pháp luật bằng việc mua sắm, giao phương tiện khi trẻ chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó là dành thời gian gần gũi để nắm bắt, hiểu các diễn biến tâm lý, giám sát sát sao giờ giấc sinh hoạt, học tập, lao động của con em nhằm tránh những vấn đề có thể nảy sinh.
Người xưa đã dạy “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”, nếu người lớn không thay đổi tư duy dạy dỗ, giáo dục thì những đứa trẻ sẽ còn ỷ lại, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, để rồi tiếp tục vòng luẩn quẩn “con dại, cái mang”…