Vài tháng trước tôi gặp lại Nguyễn Văn Phương – quê ở Đồng Tháp, là học trò cũ từng đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo chương trình EPS-Topik (Visa E9) – tại trị trấn An Thới, thành phố Phú Quốc. Phương nói em vừa ra đảo, tính tìm việc lâu dài.
Phương là một trong những lao động xuất khẩu Hàn Quốc “đời đầu”. Nhờ chăm chỉ tăng ca và với tỷ giá won chênh lệch so với đồng Việt Nam lúc đó, Phương có trong tay gần một tỷ đồng sau 4 năm 10 tháng ở Hàn. Mang tiền về quê, cậu dọn lại mảnh vườn của cha, mua xe bán tải, mở một trang trại bò vào năm 2015. Nhưng chỉ sau vài tháng, gặp dịch bệnh, bò phần lớn bị chết, số còn lại cũng dặt dẹo, cậu phải bán luôn chiếc xe để trả nợ. Mất trắng công sức tích cóp nơi xứ người, Phương loay hoay tìm kế sinh nhai khác.
4-5 năm tiếp theo, Phương phụ vợ bán vải ngoài chợ huyện nhưng không khấm khá lên được. Đôi lần cậu định đăng ký xuất khẩu lao động theo dạng nông nghiệp thời vụ (visa C4) do tỉnh Đồng Tháp ký kết với huyện Cheorwon và Yeoncheon, Hàn Quốc. Song suy đi tính lại, Phương chọn mang cả vợ con ra đảo. Không chỉ gia đình Phương mà em vợ của cậu là Quang (từng đi xuất khẩu Hàn Quốc về) cũng tính theo chân anh chị ra Phú Quốc làm nghề mua bán kiểng công trình cho các dự án đô thị, khách sạn tại thành phố đảo.
Thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, công bố đầu năm 2022, cho biết, Việt Nam có hơn 500.000 lao động hợp pháp, đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này sẽ còn tăng mạnh. Năm nay, tính riêng thị trường Hàn Quốc, số lao động đăng ký đi xuất khẩu đã tăng đột biến. Kỳ thi tuyển lao động đi làm tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, diễn ra từ 8/5 đến 10/6, chỉ chọn 12.000 người, song số đăng ký lên tới gần 23.500, cao nhất trong 10 năm qua.
Mức tăng kỷ lục này có thể giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Sau dịch, thị trường trong nước thiếu việc làm vì nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc khan hiếm đơn hàng. Trong khi Hàn Quốc là điểm đến quen thuộc, đã mở rộng cửa với nhân lực từ Việt Nam gần 20 năm nay. Hàn Quốc yêu cầu không quá khắt khe so với những thị trường lao động nước ngoài khác, lại có chính sách gia hạn đến 10 năm cho lao động trung thành hoặc chuyển đổi visa từ E9 (lao động phổ thông không tay nghề) thành visa E7 dành cho lao động có tay nghề cao, và được bảo lãnh gia đình.
Tuy nhiên, giống với thị trường Nhật Bản – xếp lao động nước ngoài không có tay nghề vào nhóm “3K”, tức Kiken – Nguy hiểm, Kitsui – Khổ và Kitanai – Bẩn; Hàn Quốc cũng có khái niệm “nhóm nghề công nghiệp 3D”. Thống kê năm 2016 của Bộ phận Chính sách người nước ngoài trong sách giáo khoa Địa lý Hàn Quốc (lớp 12) của Nhà xuất bản Mirae, phần nội dung nói về tuyển dụng lao động người nước ngoài từ sau năm 1990, đã xếp lao động Việt Nam, Philippines, Trung Quốc vào nhóm “Lao động 3D”, tức Dirty – Difficult – Dangerous (Bẩn – Khó – Nguy hiểm). Không ít người lường được thách thức mình sẽ phải đối mặt, nhưng trước bài toán kinh tế của gia đình, họ vẫn phải chọn con đường xuất khẩu lao động.
Hàng năm, Việt Nam đưa khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn kiều hối gửi về trị giá hơn 3 tỷ USD mỗi năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho các gia đình và có đóng góp nhất định cho nền kinh tế. Thách thức lớn nhất họ đối mặt là tìm kiếm một công việc ổn định lâu dài hậu hồi hương. Phần lớn địa phương hiện chỉ mới quan tâm đến chuyện xuất khẩu nhân lực, chứ chưa có kế hoạch và các chế độ hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động trở về.
Giải pháp quen thuộc là các phiên giao dịch việc làm. Tuy nhiên, nhiều nhà tổ chức thừa nhận, họ khó tìm được điểm gắn kết giữa việc và người, cung không gặp được cầu, do vênh nhau về đòi đòi hỏi mức lương, tay nghề… Nhiều lao động hồi hương cảm thấy khó chấp nhận mức lương được trả ở quê nhà so với thu nhập của họ trong thời gian làm việc tha hương. Trong khi chủ doanh nghiệp cũng không dễ dàng tuyển những lao động hầu như không có tay nghề. Loanh quanh, luẩn quẩn một thời gian, không ít người chấp nhận đi xuất khẩu lần nữa để kiếm tiền. Một vòng quay sinh kế thiếu bền vững cứ thế tái diễn.
Người lao động chưa có sự hướng nghiệp rõ ràng và đầy đủ trước và sau khi đi xuất khẩu. Thực tế, “cái đã làm, đã học” với phần lớn lao động không phải là một nghề thực thụ nên khó mà ứng dụng vào thực tế để trở thành sinh kế bền vững. Thứ họ mang về được chỉ là một số vốn, mà nếu chẳng may phá sản như Phương, họ sẽ trắng tay lại từ đầu.
Vì vậy, điều quan trọng là đưa ra định hướng cụ thể và chi tiết hơn cho một quy trình đi và về của người lao động. Đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp cho nhóm đối tượng này là điều cần thiết nhưng phải tránh cách tổ chức chỉ để cho đủ chứng chỉ, nhằm hợp thức hóa hồ sơ trước đơn vị tuyển dụng xuất khẩu, như nhiều địa phương đang thực hiện. Người lao động phải đào tạo thực để có tay nghề thật trước và sau khi trở về. Các địa phương cũng cần gắn kết với phía tiếp nhận, chọn lao động vào đúng nghề đã đào tạo để họ được trau dồi chuyên môn và ứng dụng vào thực tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Mặt khác, tôi cho rằng chỉ chú trọng giới thiệu công việc cho lao động hồi hương ở những khu công nghiệp qua các phiên chợ như hiện nay là chưa hiệu quả. Để giải quyết nguồn lao động di dân, chính phủ đang hướng đến cân bằng lại nguồn lực giữa đô thị và nông thôn bằng các chương trình khuyến khích quy nông, quy thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, cần tính luôn bài toán bổ sung lao động hồi hương vào khu vực này. Nhìn vào mức đóng góp 10-15% vào tổng GDP của ngành nông nghiệp Việt Nam tôi tin rằng nông thôn không thiếu việc.
Năm 1963, Chính phủ Hàn Quốc tuyển dụng 5.000 thợ mỏ và 2.000 y tá đi xuất khẩu lao động sang Đức trong ba năm. Số người dự tuyển lên tới 47.000. Tất cả họ đều làm việc trong điều kiện cực nhọc, vất vả. Nhưng nguồn ngoại tệ họ gửi về đã đóng góp quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống các gia đình. Sau khi số lao động này hồi hương, nhờ có tay nghề, họ sớm tìm được việc làm ở các Làng mới Saemaul-undong, mô hình thuộc phong trào tái thiết, xây dựng Nông thôn mới của Hàn Quốc. Ngày nay, người Hàn xem những người đi xuất khẩu lao động là một phần lịch sử phát triển của đất nước họ.
Tôi nghĩ những lao động xuất khẩu của Việt Nam cũng là một phần quan trọng để phát triển đất nước và họ đáng được hưởng những chính sách hỗ trợ thiết thực khi trở về.
Nguyễn Nam Cường