Thường hàng năm, cứ đến khoảng tháng 10 là chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5) bắt đầu nhộn nhịp khách sỉ, lẻ đến lựa hàng tết. Không chỉ ở TP.HCM, chợ còn là nơi cung cấp hàng hóa cho khách các tỉnh thành. Tuy nhiên, các tiểu thương gắn bó với khu chợ này hơn 30 năm cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình buôn bán mỗi năm cứ “đi xuống dần”. Riêng năm 2024 thì: “Ế lắm”.
Chợ vải Soái Kình Lâm một năm… buồn
Chợ vải Soái Kình Lâm được hình thành từ năm 1989, theo quyết định quy hoạch ngành vải sợi của UBND Q.5, di dời các tiểu thương về khu vực tầng trệt Thương xá Đồng Khánh (đường Trần Hưng Đạo, P.14). Ngoài ra, trên các mặt tiền đường lân cận như Dương Tử Giang, Đỗ Ngọc Thạnh… có nhiều tiệm vải, góp thêm nhộn nhịp cho khu chợ.
Nhiều tiểu thương ở đây gắn bó với nghề buôn bán vải từ khi chợ hình thành. Có người gắn bó gần nửa đời ở đây, tuy nhiên chưa từng thấy năm nào khó khăn như năm 2024 vừa qua.
Tổng kết việc làm ăn năm 2024, chủ sạp vải Kim Ngân (66 tuổi) nói: “Một năm quá ê chề”. Nhận định nguyên nhân, bà Ngân cho biết hiện nay khách có nhu cầu mua sắm trên mạng. Dù vải cho chính bà lên mẫu, đặt xưởng sản xuất tận gốc, vải chất lượng nhưng không thể cạnh tranh nổi với các loại vải giá rẻ, trôi nổi trên không gian mạng.
Với ngành vải, mùa tết bắt đầu từ khoảng tháng 10. Thời hoàng kim nhiều năm về trước, khách sỉ, lẻ khắp nơi đổ về khu chợ này, việc mua, bán diễn ra “ào ào” nhưng vài năm trở lại đây khá ảm đạm.
Chị Thu Ba (44 tuổi), chủ sạp vải trong một khu chợ ở H.Trảng Bàng, Tây Ninh là một trong số ít khách tỉnh đến lựa vải ở chợ Soái Kinh Lâm dịp cuối năm. “Ở quê tôi khách mua vải may quần áo càng ngày càng ít, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi mua vải may đồ bộ hoặc các bà mẹ mua vải áo dài may mặc trong đám cưới của con”.
Chị Khánh Thy hơn 20 năm làm việc trong một tiệm vải nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo cho biết cũng chưa từng thấy có khi nào buôn bán khó khăn như năm 2024.
Ở những cửa hàng mặt tiền, các loại vải vóc được bày biện bắt mắt, đặc biệt là vải áo dài. Trong số các loại vải, vải áo dài là mặt hàng bán chạy hơn nhờ dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
Đi sâu vào khu vực ki ốt của chợ vải, không khí mua bán ế ẩm đập ngay vào mắt. Các tiểu thương ngồi chờ khách lướt xem điện thoại.
Một số tiểu thương còn không tháo tấm bạt trùm hàng hóa ra để thu hút khách hàng.
Càng đi sâu vào bên trong, chợ vải càng trở nên đìu hiu với nhiều ki ốt đóng cửa.
Một tiểu thương hiếm hoi còn mở cửa ki ốt để cắt vải cho khách bên trong khu chợ Soái Kình Lâm. Ông cho biết tình trạng đóng sạp đã diễn ra cách đây vài năm, kể từ sau dịch Covid – 19.
Trong khoảng 30 phút nán lại khu vực bên trong chợ vải hôm 4.1 vào thời điểm buổi trưa, PV Thanh Niên không ghi nhận được có vị khách nào ghé vào mua sắm. Các tiểu thương ngồi xem điện thoại hoặc ăn cơm trưa ngay cạnh lối đi trống trải.
Vẫn muốn bám trụ với nghề
Những hình ảnh như thế này của người bán dễ dàng bắt gặp được khi đi qua khu vực chợ vải.
Bà chủ Kim Ngân cho biết trước đây, các cửa hàng thường bán chuyên về một loại vải nào đó như: vải may đồ bộ mặc ở nhà, vải áo dài, vải kate… Tuy nhiên dần dần, ở một số tiệm lớn đã thay đổi, bán đủ loại vải để giữ chân khách khi họ vào tiệm hỏi mua.
Theo thời gian và nhu cầu khách hàng, các tiểu thương nơi đây cũng dần quen với việc chốt đơn qua điện thoại. “Chúng tôi cũng bán qua Zalo nhưng khách thường bán theo kiểu trả tiền gối đầu, giờ khó khăn, tôi cũng đâu thể cho nợ nhiều được nên rất khó”, bà Ngân nói.
Các tiểu thương ở đây quen với cách làm ăn truyền thống, khi nhắc đến thương mại điện tử hay bán hàng online, hầu hết ai cũng lắc đầu, nói: “Khó chạy theo”.
Các ki ốt bên trong đóng cửa, việc trao đổi buôn bán chủ yếu diễn ra ở các sạp ngay mặt tiền đường. Dù ghi nhận thêm một năm làm ăn khó khăn nhưng các tiểu thương ai cũng hi vọng, muốn gắn bó với nghề vì nghĩ lạc quan rằng, mình có tiệm cố định, chất lượng hàng hóa tốt và uy tín nhiều năm, sẽ hút khách hàng quay về trong tương lai.