Chỗ ở của người nghèo

Chỗ ở của người nghèo

Với mức lương trung bình 8 triệu đồng/tháng, hầu như các công nhân không có nhiều tích lũy. Để có được một căn nhà ở xã hội giá 1,5 tỉ đồng tại TP.HCM, họ phải dành dụm khoảng 15 năm với yêu cầu không sử dụng tiền lương cho mục đích nào khác.

“MẤY THƯỚC VUÔNG CHO HẠNH PHÚC”

Thông thường, khi muốn phỏng vấn các anh chị công nhân, chúng tôi phải đến vào lúc tối muộn – thời điểm họ tăng ca về – hoặc vào chủ nhật. Nếu lịch làm việc của công nhân dày đặc như vậy, có nghĩa đời sống của họ thoải mái phần nào vì có thêm thu nhập.

Thuê trọ ở TP.HCM: Chỗ ở của người nghèo  - Ảnh 1.

Phát triển nhà cho thuê ngăn nắp, sạch đẹp là một trong những chính sách mà TP.HCM cần lưu tâm trong thời gian tới

Cuối năm 2022, khi Công ty TNHH T. (lĩnh vực dệt may, đóng tại P.An Lạc, Q.Bình Tân) cắt giảm hàng ngàn lao động vì ít đơn hàng, khu trọ nhỏ mà nhiều công nhân công ty này thuê gần đó cực kỳ đông đúc. Song điều đó không đi kèm với niềm vui.

Khi đến đây vào một buổi sáng trong tuần, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ ngồi trước cửa phòng trọ lặt rau, chuẩn bị cơm trưa. Guồng mưu sinh của họ cũng đột ngột thay đổi thành sáng đi tìm việc, gần trưa về chuẩn bị cơm nước, chiều và tối loay hoay trong bốn bức tường.

Chị Trang (38 tuổi) đi tới đi lui trong căn phòng trọ, quanh đó mấy dãy phòng đi đâu cũng đụng người. Đã mấy hôm chị đi tìm việc nhưng kết quả không mấy khả quan. Từ ngày rời quê lên TP.HCM mưu sinh đã 5 năm, chị không nghĩ mình lại có thời gian ngắm nghía kỹ từng ngóc ngách, đồ đạc trong nhà như bây giờ, nhưng càng nhìn thì càng thấy rầu rĩ.

“Phòng chật, mong em thông cảm”, chị nói khi mời chúng tôi vào. Căn phòng hơn 5,5 m2 là chỗ ở của 2 vợ chồng chị và đứa con nhỏ. Chị còn 1 con lớn đã gửi về quê nhờ ông bà nuôi.

Theo Chuyên trang Nhà Tốt (Chợ Tốt), năm 2022, mặc dù giá nhà đã giảm nhưng vẫn còn rất cao so với thu nhập của hộ gia đình VN. Ví dụ, nếu một gia đình có thu nhập 191 triệu đồng/năm và giá nhà trung bình khoảng 5,55 tỉ đồng/căn tại TP.HCM thì họ cần 28,6 năm để mua nhà. Con số này tại Hà Nội là 20,4 năm.

Tỷ lệ này so với một số thành phố đông dân trên thế giới thì vẫn còn thấp, như Seoul (Hàn Quốc) là 30,7 năm, Bangkok (Thái Lan) là 31 năm, Bắc Kinh (Trung Quốc) là 44 năm. Nhưng nếu so sánh với một số thành phố ở châu Âu, châu Mỹ thì số năm để một hộ gia đình mua nhà tại VN là rất cao, đơn cử hộ dân ở New York (Mỹ) chỉ mất 9,9 năm để mua nhà, còn ở Toronto (Canada) mất 13 năm.

Một góc phòng, cạnh nhà vệ sinh, là góc bếp, vài quyển vở con chị vẽ dở đặt cạnh nồi nấu ăn. Chị cũng kê thêm được 2 chiếc tủ đựng quần áo và đồ lặt vặt. Gần tủ, ở ô tường trống và sạch nhất phòng, chị treo ảnh 2 con.

Không có chỗ kê giường, chị Trang nói ban ngày vợ chồng chị đặt một chiếc võng để ngả lưng, người này nằm võng thì người kia nằm đất. Tối đến mới lấy nệm ra ngủ.

“Tiền thuê trọ tính cả điện nước khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng/tháng, ở vậy mới tiết kiệm chi phí. Chồng tôi làm thợ hồ, bữa được bữa không, thu nhập bấp bênh lắm. Xưa lương trung bình tôi được 7 triệu đồng/tháng, giờ tôi thất nghiệp, chồng tôi phải kiếm thêm nhiều việc để trang trải chi phí sinh hoạt”, chị Trang chia sẻ.

Hỏi điều kiện sống ở phòng trọ có đảm bảo không, chị Trang nói: “Với thu nhập của công nhân thì không thể đòi hỏi gì thêm”.

“Thỉnh thoảng tôi cũng tính chuyển đến căn phòng trọ rộng rãi hơn, vì nhà có con nhỏ, phòng chật chội, con không có chỗ chơi, thương lắm. Giờ nghỉ việc càng thấy không gian gò bó hơn, nhưng muốn chuyển thì không biết lấy tiền đâu ra. Ở đây tôi còn nhiều lần phải xin khất tiền trọ hoặc chạy vạy vay để trả”, chị Trang nói.

“Chị có hay đưa con đi chơi?”. “Không, cái xe máy còn không có thì đưa đi đâu?”. “Đứa lớn ở dưới quê có kêu chị về quê không?”. “Có, nó bảo nhớ ba mẹ, kêu về dưới quê ở”, chị đáp. “Chị có tính về quê để cả nhà sống cùng với nhau?”. Lần này thì chị Trang không trả lời, nhìn mãi tấm ảnh con treo trên tường…

“Tụi em thấy TP.HCM đang có nhà ở xã hội, chị có nghĩ 2 vợ chồng để dành tiền mua không?”, chúng tôi hỏi. “Mơ cũng không thấy. 1 tỉ mấy 1 căn, 2 vợ chồng tôi có cày tới chết cũng không đủ. Tôi chỉ mong nếu được thì nhà nước làm các nhà trọ sạch sẽ, rộng rãi hơn một chút mà giá thuê vừa phải để cả gia đình có thể sống chung với nhau”, chị Trang bày tỏ.

Thuê trọ ở TP.HCM: Chỗ ở của người nghèo  - Ảnh 3.Thuê trọ ở TP.HCM: Chỗ ở của người nghèo  - Ảnh 4.

Một khu phòng trọ có đông người lao động thuê tại TP.Thủ Đức

VÀI BƯỚC CHÂN LÀ ĐỤNG TƯỜNG

Cách chỗ chị Trang không xa, gia đình chị Kiều Tiên (40 tuổi, quê Đồng Tháp) 4 người chen chúc nhau trong căn phòng khoảng 8 m2 của khu trọ nằm sâu trong hẻm ở P.An Lạc, Q.Bình Tân. Căn phòng quanh năm không nắng mưa lọt vào được, cánh cửa gỉ sét, bờ tường sơn mục lỗ chỗ, trong phòng đồ đạc gần lấp kín lối đi. Giá thuê căn phòng này là 800.000 đồng/tháng.

Với 14 năm tuổi trẻ trôi qua trong nhà máy, lương của chị Tiên tới nay cũng chỉ 8 – 9 triệu đồng/tháng tùy tình hình tăng ca; còn chồng chị làm tự do, công việc không ổn định. Mới mất việc vì công ty cắt giảm lao động, chị rầu rĩ nói: “Bất lực lắm, mình đã có tuổi, cả tuần đi xin việc làm nhưng không chỗ nào nhận, cứ tiếp tục kéo dài thế này thì bế tắc vì chi phí sinh hoạt, ăn uống đắt đỏ, trong khi không làm ra tiền”.

CƠ CẤU NHÀ Ở CHƯA CÂN ĐỐI

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2022 nguồn cung dự án đối với từng phân khúc nhà ở tăng – giảm không đều, cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, của đa số người dân.

Cụ thể, phân khúc căn hộ bình dân thời gian trước tăng chiếm tỷ lệ cao, nhưng trong năm 2021, 2022 tỷ lệ này là 0%; phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 26% lên 30%; phân khúc căn hộ cao cấp giảm từ 74% còn 70% nhưng vẫn ở mức cao. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.

Khi đề cập đến nhu cầu nhà ở xã hội, theo khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, có 64% trong tổng số 41.000 người tham gia khảo sát có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội. Đáng lưu ý là có 36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; hơn 33% lựa chọn mua nhà từ 1 tỉ đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; gần 20% mua từ 1,5 tỉ đồng đến dưới 2 tỉ đồng và chỉ hơn 10% mua nhà trên 2 tỉ đồng. Nhưng hiện nay tại TP.HCM không có nhà ở xã hội giá dưới 1 tỉ đồng.

Mở cả 2 cây quạt vẫn không ăn thua vì trời quá nóng, 2 đứa con chị Tiên loay hoay trong phòng, chạy nhảy một tí là đụng tường. “Nhiều khi thấy con bị thiệt thòi, tôi muốn mua đồ chơi cho tụi nó cũng không dám, vì nhà chật thì chỗ đâu mà chơi. Hồi xưa tôi dưới quê ra đồng ra ruộng thênh thang, giờ nhìn con mà thương”, chị Tiên kể.

Hỏi chị có muốn đi nơi khác rộng hơn không, chị Tiên bảo lương 2 vợ chồng 1 tháng chưa đến 15 triệu đồng. Nghe có vẻ nhiều nhưng cả trăm thứ chi phí, còn chừa khoản gửi về quê cho ba mẹ nên dù có muốn chuyển chỗ trọ rộng rãi hơn chị cũng không dám, huống chi giờ thất nghiệp. Chị chậc lưỡi: “Công nhân lao động mà em, khổ nó quen rồi”.

Chúng tôi hỏi chị có tính toán gì cho tương lai không, mua căn chung cư xã hội được không, chị Tiên nói: “Làm sao có tiền mua. Bây giờ giá hơn 1 tỉ đồng/căn, chúng tôi kham khổ dành dụm cả đời không nổi. Giờ cả nhà tôi chờ vài tháng nữa nếu vẫn không ổn sẽ đưa 2 con về quê sống”… (còn tiếp)