Chênh chao dòng đời | Báo Pháp luật Việt Nam điện tử

Chênh chao dòng đời | Báo Pháp luật Việt Nam điện tử

Tôi thường cùng lũ bạn tổ chức những chuyến đi thật xa khi có điều kiện và mơ ước mình sẽ có một người yêu tâm lý, thích xê dịch nhưng vẫn đủ chín chắn để chăm lo cuộc sống riêng. Một vài ước mơ của tôi cũng là của cha mẹ. Nhiều lần đi học ở phố về quê, mẹ nghẹn ngào nói với con gái: “Nhà mình nghèo con ạ, con đi học lấy cái chữ, sau này công ăn việc làm ổn định. Con hãy kiếm lấy người chồng gọi là khá giả một chút cho đỡ khổ. Mà chẳng biết có được thế không nữa… Cha con cả đời nghèo, khi chết vẫn mơ chiếc xe đạp Phượng Hoàng”.

Mắt mẹ rơm rớm, xa xăm. Tôi nhấm nhẳng: “Con sẽ lấy một ông chồng thật giàu trên thành phố, lúc đó vợ chồng con sẽ đón mẹ lên trông nhà. Rồi chăm con cho chúng con nữa”. Mẹ vỗ nhẹ vào vai tôi: “Nói trước bước không qua!”.

Mẹ vẫn giục cũng như mẹ cái Hường, cái Gấm cùng làng. Chúng nó có ước mơ như tôi, còn vẽ ra cả một thiên đường và tưởng tượng về một vùng trời toàn màu hồng. Hóa ra, đứa con gái nào ở quê lên phố học cũng ôm một bụng toan tính cho tương lai.

Tôi yêu Hùng đơn giản vì anh chân thành, hiền lành và biết chăm lo cho tôi bằng cái vẻ tồi tội của anh. Chính điều đó làm tôi cảm động mà yêu thực lòng. Tôi quên lời mẹ dặn và những ước mơ chồng giàu để đến với anh bằng tấm lòng của một đứa nội tâm có lúc ngờ nghệch. Hùng chỉ học trung cấp và sau đó anh chọn nghề sửa chữa máy. Tôi lấy anh là chấp nhận cuộc sống giản dị đẫm màu vất vả. Nhà anh đông con nheo nhóc mà quê Hùng quanh năm chiêm thiu mùa thối. Lương anh thợ sửa xe máy ba cọc ba đồng nên chi tiêu lúc nào cũng phải tằn tiện. Tôi nhiều lúc tự an ủi mình: “Là do mình chưa giàu. Nhưng tôi và anh có đôi bàn tay…”.

Ngày đưa Hùng về quê, mẹ kéo ra một góc, hỏi nhỏ:

– Gia đình nó thế nào? Có khá không?

Tôi hơi lặng người, không biết nên trả lời mẹ thế nào. Sợ nói ra mẹ sẽ thất vọng. Cha mất, mình mẹ chăm lo cho ba chị em. Chị gái tôi lấy chồng làng bên, cuộc sống chẳng khấm khá gì. Em trai tôi vẫn đang đi học. Mẹ mong tôi đừng bước lại bước chân của chị, nay đây mai đó buôn bán như con thiêu thân mà chẳng đủ ăn. Tôi nén tiếng thở dài, mãi sau mới nói thật. Đằng nào mẹ cũng phải biết.

– Nhà anh ấy ở bên kia sông, nghèo như nhà mình. Hùng cũng có công việc ngoài Hà Nội rồi.

Tôi nói bằng giọng ầng ậng nước, cố mong sao mẹ yên lòng, và chờ một cơn nổi giận. Tưởng mẹ sẽ mắng té tát, vì con gái không nghe lời mà chấp nhận lấy một người như Hùng. Nhưng mẹ chỉ thở dài, mắt đùng đục mơ hồ. Rồi mẹ thở hắt:

– Là cái số rồi. Nhà mình không có duyên với sự giàu. Cái nghèo đeo đẳng nhà ta mãi. Ông nội con trước đây là cùng đinh trong làng… Thế nó yêu con thật lòng chứ?

Tôi vâng. Tôi nợ mẹ công nuôi dưỡng. Nợ mẹ cả những lời hứa và ước mơ. Trời yên bình mà lòng tôi nổi bão. Nhưng tôi cố nén, sợ chạm phải những cái mầm tự ái trong Hùng. Từ lúc đó, mẹ rôm rả nói chuyện với tôi và Hùng. Mẹ khiến tôi bất ngờ, là thắp cho Hùng ước mơ. Mẹ bảo: “Có miếng đất ở đầu làng đấy, cũng đủ để xây một cái quán nhỏ, các con tính ở gần mẹ thì về mở quán sửa chữa. Không thì cứ ở trên Hà Nội, mẹ không cản”. Hùng xin vâng. Tôi thấy lòng mình yên ấm lạ. Ngày cưới, đám rước qua sông, đông đủ bạn bè. Bến sông chênh chao sóng.

***

Hai quả tim thắp sáng nhau trong căn phòng trọ nhỏ. Một tháng được hai ngày nghỉ lại cấp tập về quê. Bao giờ tôi cũng giục về thăm cha mẹ Hùng trước. Có lần Hùng tâm sự:

– Anh tính vợ chồng mình phải làm công việc khác. Nghề sửa xe vất vả mà lương thấp quá. Chỗ em cũng chẳng khá hơn.

Cái cau mày đáng yêu của anh vẫn hằn chút tội nghiệp.

– Định làm gì hả anh? Tôi hỏi.

– Phải buôn bán. Phi thương bất phú em ạ.

– Vợ chồng mình thì buôn bán cái gì được? Có kinh nghiệm gì đâu.

– Anh đang tính. Buôn bán cái gì thì cũng cần phải có vốn. Mà khoản này…

***

Chuẩn bị ngày họp lớp thời phổ thông trung học. Năm nay có quy định mới, ai đã cưới thì dẫn theo chồng hoặc vợ, hoặc người yêu. Tôi giục Hùng may bộ quần áo mới để đi cùng vợ. Năm nay lớp tổ chức ở quán mới mở nhà thằng An. Con Hường, con Gấm tí tửng không có người yêu dẫn theo. Ai hỏi chúng cũng trề môi: “Ui, chơi đã, vội gì!”.

Mấy đứa lắm miệng, chưa thấy người đã thấy tiếng, huyên thuyên bao chuyện không biết giữ ý. Nhất là cái Lan, trước đây là lớp phó học tập, giờ vẫn thuộc diện “vườn không nhà trống”, dù nó rất đỏm dáng.

Tôi bảo Lan:

– Mày kén quá. Đừng quá phung phí tuổi xuân.

Lan dẩu môi:

– Tao không bao giờ chịu chấp nhận cảnh nghèo, kiểu gì chồng tao cũng phải diện đại gia. Phải lấy chồng giàu và máu như cái Thúy, cái Oanh kia kìa. Sống trên nhung lụa nhé.

Thúy nghe thấy chúng tôi đang nói chuyện về nó, chĩa vào bằng chất giọng gay gắt như nắng hè:

– Nghe nói vợ chồng bạn đạm bạc lắm. Có gì thì ở đây nhiều bạn khá rồi. Nhờ được. Giàu vì bạn sang vì vợ mà! Có gì bảo tôi nhá!

Mặt tôi bừng nóng. Tôi nhìn sang Hùng rồi nhìn sang Lan, sững sờ. Hùng cố tỏ ra không quan tâm, nhưng tôi thấy mặt anh đang nóng lên. Những lời nói đó có phần xúc phạm đến Hùng, nhưng tôi biết anh đã kìm nén. Lan nhận ra mình vừa lỡ lời, thinh lặng.

***

Bạn bè lâu ngày gặp nhau, trò chuyện rôm rốp. Vài bạn khuôn mặt trở nên tái, vài khuôn mặt đỏ bừng vì men. Hùng ngồi cạnh tôi, lặng lẽ như tấm bia đá giữa trận ồn ào, càng đến cuối buổi vẻ hiền lành đến tội nghiệp càng rõ. Dường như anh không hòa nhập được. Tôi nhận ra anh nâng ly một cách khiên cưỡng. Dù rất yêu chồng, nhưng thấy chồng người ta phong độ, tươi trẻ, hào hoa, nhìn vào chồng mình có chút tủi.

Đến phần “báo cáo” tình hình cuộc sống. Mỗi thành viên trong lớp phải đứng dậy nói sơ qua về cuộc sống của mình. Minh và Duyên là hai đứa trước đây học kém gần nhất lớp, nhưng chúng may mắn lấy được chồng nhà giàu. Chồng Duyên giờ làm giám đốc một công ty kinh doanh, giao cho Duyên làm kế toán. Một số bạn khác cũng rót cho nhau những chén tự hào, những lời hoa mỹ có cánh. Phần tôi, chúng bắt cả Hùng đứng lên. Hùng ngọng nghịu vài câu rồi ngồi xuống. So tất cả bạn bè, công việc của vợ chồng tôi kém cỏi nhất. Nhưng công việc gì hợp pháp là vinh quang. Tôi dõng dạc nói về cuộc sống giản dị của hai vợ chồng. Các bạn vẫn vỗ tay, không biết thông cảm hay khinh bỉ.

Vài lời xì xào về chuyện ăn mặc của chồng tôi. Đại loại anh cũ kỹ quá. Lúc ấy, nhìn vào những bộ đồ của chúng bạn mà tủi thân quá chừng. Tôi bắt chuyện với Thúy, định nhờ nó một việc, lại thôi. Thúy cầm chén rượu đến chỗ vợ chồng tôi. Lúc này nó đã “tây tây”:

– Nào, chạm nhé! Có gì khó khăn cứ đến tìm tớ.

Tôi và Hùng cạn chén.

Tôi chưa kịp chạm chén riêng với Duyên thì nó đã lên tiếng trước:

– Bạn Thúy nói đúng đó, có gì cứ nói với nhau. Bạn bè mà. Lúc nào mời vợ chồng bạn đến nhà tớ, làm bữa. Rồi tâm sự. Có gì chúng tớ sẽ giúp. Thời này rồi mà không sử dụng cái đầu để kinh doanh chứ! Dô dô!

Tôi nói lời cảm ơn!

Duyên nháy mắt:

– Chuyện nhỏ!

Đám con trai cũng tiến lại, dô dô! Lúc họ thăng hoa, trở nên bốc đồng và bệ rạc. Ai cũng thể hiện “đẳng cấp” của mình, với những lời lẽ hùng hồn, hào phóng. Các bạn liên tục rót vào nhau sự đoàn kết bằng những chén rượu tràn trề. Lời các bạn bung ra, đan vào nhau, như thể thành bữa tiệc có những âm thanh dịu ngọt.

Tôi âm thầm vui vì thấy đám bạn của mình nói năng bỗ bã, nhưng biết quan tâm bạn bè. Ở phía vợ chồng tôi, có phải đang mở ra những vùng trời sáng ấm?

***

Hai tháng sau vợ chồng tôi đến gặp Duyên như đã hẹn, định vay ít vốn liếng làm ăn. Duyên vẫn vồn vã như hôm họp lớp, mở cái cổng nặng trịch đón vợ chồng tôi vào ngôi nhà có vẻ lạnh lẽo vì quá rộng. Không có lời mời ở lại ăn cơm cũng không có chuyện giúp đỡ. Duyên đổi giọng sau khi tôi cất lời: “Ôi bạn ơi, thông cảm đi, tớ rất muốn giúp đỡ gia đình bạn. Nhưng tháng nay công ty mình khó khăn quá, vốn liếng đem đi đầu tư cả chưa thu lại được. Bao giờ có tớ sẽ giúp”. Tôi bỗng trở nên bần thần, hai chân nhũn đi.

Bỏ lại phía sau là cánh cửa nặng nề, thất vọng ra về, vợ chồng tôi đến tìm Thúy. Mọi câu nói của Thúy đều khác với hôm họp lớp làm cổ tôi nghẹn ứ. Sự thể hiện của các bạn hôm họp lớp đâu rồi? Có phải hôm đó các bạn bốc đồng thể hiện, chỉ để cho vui, chọc tức vợ chồng tôi bằng những cái cười thương hại. Hay các bạn cố nhen nhóm cho tôi một chút hy vọng, rồi đẩy tôi vào hố đen tuyệt vọng. Tôi gọi An lớp trưởng, ý định chia sẻ, rằng tại sao các bạn lại như thế? Nhưng máy không liên lạc được. Hình ảnh về các bạn cùng lớp nhòe đi, như chén rượu, gay gắt độ cồn nhanh chóng bốc hơi.

Mấy ngày sau, đi đâu đó về Hùng hốt hoảng khoe:

– Em ơi, anh bán ba chỉ vàng mẹ cho ngày cưới rồi, vàng đợt này lên giá quá.

Tôi tròn mắt, vừa giận vừa thương anh. Tại sao anh lại bán kỷ vật của mẹ đi? Vật kỷ niệm của mẹ thì không bao giờ được bán.

Hùng an ủi:

– Sau này làm ăn được, anh mua về đúng mẫu như thế.

Mắt tôi cay cay. Mấy ngày sau Hùng mang về một đống vải vóc, lụa tơ tằm. Hùng nói chắc nịch:

– Phải thực hiện chiến lược buôn bán. Anh tìm hiểu kỹ rồi, giá vải lụa ở các làng dệt so với giá các nhà đi buôn xuất khẩu chênh lệch khá cao. Nếu chịu khó đi thu mua từ các làng dệt lụa, bán lại cho nhà buôn, tiền lãi thu được không nhỏ.

Hùng ngồi tính đếm từng li về công việc, địa điểm hay cách thức giao dịch. Tôi ngồi nghe anh rót những lời chắc nịch vào tai, càng nghe càng hy vọng.

Chồng tôi lạc quan:

– Vợ chồng mình sẽ khá lên thôi, chúng mình cứ từ từ mà tiến.

Tôi tin ở Hùng. Anh cũng nhìn tôi cười. Đôi mắt anh bỗng long lanh, rực sáng.