Bước ngoặt
Năm 2008, Đào Quốc Việt mất đôi tay sau khi bị điện giật, bỏng nặng. Từ một chàng trai khỏe mạnh, mọi sinh hoạt của anh phụ thuộc vào mẹ. Một năm đầu sau biến cố, Việt suy sụp nhiều. Lý do níu anh ở lại với cuộc đời là tình thương của mẹ. Thấy mẹ khổ vì mình, anh tự học cách thích nghi với hình hài cơ thể mới.
Quốc Việt trên đường chạy giải Tiền Phong Marathon ở Phú Yên, tháng 3.2024
Việt rời quê đến TP.HCM để học nghề sửa điện thoại, máy tính rồi thiết kế đồ họa, nhưng vẫn không thể tìm được công việc ổn định. Hơn 10 năm loay hoay tìm hướng đi cho bản thân, Việt tự ti và dần khép mình. Hơn một năm trước, giữa lúc thất nghiệp, Việt bắt đầu “chạy bộ cho vui”. Anh mong muốn đầu óc mình bớt nghĩ đến những điều tiêu cực.
“Tôi nghĩ chạy bộ là môn phù hợp với tình trạng cơ thể mình. Chỉ cần có thêm đôi giày thì tôi có thể tự tập luyện được”, Việt chia sẻ.
Sau vài buổi xỏ giày chạy vài trăm mét tại một bờ kè gần nhà, Việt làm quen với những người chung sở thích. Anh được mọi người giới thiệu tham gia cộng đồng chạy bộ Gia Lai Marathon để cùng giao lưu, tập luyện. Họ tặng Việt những chiếc áo chạy và đăng ký cho anh tham gia một số giải chạy phong trào ở địa phương. Giải đầu tiên tham gia, Việt đăng ký cự ly 5 km. “Cảm giác thích lắm, mình chỉ tập trung chạy thôi, không cần phải suy nghĩ gì. Những khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống mình tạm bỏ qua một bên”, Việt chia sẻ.
Anh Tâm hỗ trợ công việc và cùng Việt tham gia nhiều giải chạy bộ
Với Việt, đó không phải là cách trốn tránh thực tại, anh vẫn đối mặt và tự mình giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Sự quan tâm của cộng đồng chạy bộ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho anh, giúp anh có thêm nguồn năng lượng tích cực vào mỗi sáng thức giấc.
“Một cảm giác nhẹ nhàng hơn khi mình nghĩ về những thử thách trước mắt. Mình bắt đầu suy nghĩ thoáng hơn, tìm được nhiều hướng giải quyết những bộn bề trong lòng”, Việt nói.
“Cảm ơn cộng đồng chạy bộ!”
Từ đó đến nay, trung bình mỗi tháng Việt tham gia một giải chạy. Cuối tháng 3 vừa qua, Việt lần đầu chinh phục cự ly 21 km với thành tích 2 giờ 19 phút, tại giải Tiền Phong Marathon tổ chức ở Phú Yên. Sau giải, hình ảnh chàng trai “không tay” mồ hôi ướt sũng nỗ lực cán đích được lan tỏa khắp mạng xã hội. Nhiều bình luận động viên, chia sẻ khiến Việt cảm thấy rất vui. Ở những giải chạy sau đó, Việt được nhiều người nhận ra và vẫy tay chào khích lệ.
Quốc Việt trong giải chạy gần nhất tại Kon Chư Răng Half Marathon, tháng 5.2024
Đầu tháng 5, Việt thử sức cự ly này tại giải Kon Chư Răng Half Marathon ở quê nhà. Cung đường chạy qua cánh rừng với nhiều dốc làm thành tích của anh chậm hơn, với 2 giờ 55 phút.
Anh Tâm Nguyễn, chủ cửa hàng Thế giới chạy bộ ở TP.Pleiku, tình cờ quen biết Việt trong một nhóm chạy bộ. Thương hoàn cảnh và nể phục nghị lực của Việt, anh Tâm nhận Việt làm nhân viên marketing online và bán hàng trực tiếp tại cửa hàng. “Trước đây, tôi cũng từng ưu tiên hỗ trợ việc làm cho những bạn khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Vừa thấy Việt, tôi đã có ý nhận cậu ấy vào làm việc. Dù biết vị trí nhân viên bán hàng thường ưu tiên ngoại hình, nhưng với tôi điều đó không quan trọng. Việt có kinh nghiệm, kiến thức trong bộ môn này, tôi nghĩ cậu ấy sẽ trở thành một nhân viên tốt, chuyên nghiệp”, anh Tâm chia sẻ.
Anh Tâm cho biết thêm, thời gian đầu mới vào làm, Việt còn rụt rè. Nhờ những buổi giao lưu, trò chuyện xoay quanh chủ đề chạy bộ, Việt đã tự tin và cởi mở hơn.
Việt tâm sự, sau nhiều năm vật lộn với nhiều nghề, cuối cùng cũng tìm được công việc có thu nhập ổn định, lại khiến bản thân vui vẻ mỗi ngày. “Tôi đã tin vào bản thân nhiều hơn và đang lên kế hoạch tập luyện bài bản. Dù ở cự ly nào, khi về đích cùng mọi người, tôi thấy rất hạnh phúc”, chàng trai không tay nói.