Cảnh giác chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” với lao động trên biển

Cảnh giác chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” với lao động trên biển

Biên phòng – “Việc nhẹ, lương cao” – lời chào mời này luôn có sức hấp dẫn đối với người lao động, kể cả đối với công việc đánh bắt trên biển, vốn được biết là khó nhọc và đối mặt với nhiều hiểm nguy từ sóng gió, thời tiết bất thường. Cả tin, không ít người đã “sập bẫy” của “cò” lao động, hoặc là bị “mua bán” để rồi khi nhận ra thì đã muộn, dẫn đến phải chọn cách mạo hiểm đánh cược sinh mạng của mình là nhảy xuống biển để trốn thoát.


BĐBP Cà Mau phối hợp cơ quan chức năng bàn giao các nạn nhân về đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Lê Khoa

Tính mạng thường xuyên bị đe dọa trên biển

Ngồi trước mâm cơm do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau chuẩn bị sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, các nạn nhân: Nguyễn Nghĩa, 16 tuổi, thường trú tại tỉnh Bình Thuận; Hoàng Xuân Dương, 30 tuổi, thường trú tại tỉnh Gia Lai; Dương Mạnh Hùng, 50 tuổi, thường trú tại thành phố Hà Nội; Nguyễn Duy Cường, 31 tuổi, thường trú tại tỉnh Đắk Lắk và Thạch Đương, 23 tuổi, thường trú tại tỉnh Cà Mau vẫn không nghĩ sẽ có ngày được quay lại bờ nếu không được BĐBP Cà Mau giải cứu.

Theo lời kể của các nạn nhân, những “người tốt” đã giới thiệu cho các nạn nhân nhiều công việc làm với mức thu nhập ổn định, trong đó có việc đi tàu đánh cá trên biển. Thời gian đi làm trên biển khoảng 3 tháng, về ăn chia từ 30 đến 60 triệu đồng.

“Nghe hấp dẫn nên em đi từ thành phố Hồ Chí Minh xuống Kiên Giang, sau đó xuống Cà Mau theo hướng dẫn của họ. Tại Cà Mau, thấy có thêm 3 – 4 người khác cũng đến, họ mua cho mỗi người một cái điện thoại giá từ 3 – 4 triệu đồng/chiếc, rồi họ viết giấy bắt mỗi người ký nhận là vay trước 30 triệu đồng để chuyển gửi về cho gia đình. Ra biển làm một thời gian, tụi em gọi điện hỏi tiền thì họ đưa ra nhiều lý do và không chuyển tiền cho gia đình. Họ còn đe dọa, muốn vào bờ phải trả 100 triệu đồng, gồm tiền thuê tàu chở ra biển hơn 10 triệu, tiền ứng trước 20 triệu, tiền bồi thường cam kết gấp đôi và các chi phí khác; không có tiền thì tiếp tục làm việc trên tàu, nếu không thì sẽ bị đưa qua tàu khác; sau đó bị thuyền trưởng thu điện thoại. Trong quá trình làm việc trên tàu, do không quen, không biết nghề đi biển, nên thường xuyên bị la mắng, thậm chí bị đánh đập, đe dọa đưa sang tàu khác, hoặc đưa qua tàu có hợp đồng với nước ngoài…” – Nạn nhân Hoàng Xuân Dương kể lại trong uất ức.

Từ những áp lực bị đe dọa, đánh đập, cùng việc không quen làm việc trên tàu cá nên Dương nảy sinh ý định nhảy xuống biển trốn vào bờ và đã nói với Nghĩa về ý định của mình, Nghĩa xin được nhảy xuống biển cùng Dương. Sau đó, Nghĩa và Dương lén lút chuẩn bị các vật dụng như bình nước rỗng, phao, đèn pin, mì tôm. Sau khoảng hơn 1 giờ trôi dạt trên biển, Dương và Nghĩa may mắn gặp được tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau phát hiện, cứu vớt và đưa vào trình báo Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc.

Khởi tố vụ án, giải cứu thêm các nạn nhân

Sau khi tiếp nhận các nạn nhân, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp các cơ quan nghiệp vụ BĐBP các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Công an tỉnh Cà Mau… để trao đổi thông tin và xác minh làm rõ vụ việc. Các đơn vị xác định, đây là vụ việc điển hình về tội phạm mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi với hình thức “cò ngư phủ”, mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động.


Nạn nhân Nguyễn Nghĩa (áo sọc) và Hoàng Xuân Dương (áo đen) khai báo với cán bộ điều tra Đồn Biên phòng Sông Đốc. Ảnh: Lê Khoa

Hoạt động của đối tượng thông qua các trang mạng xã hội, phân công nhiệm vụ rõ ràng, khép kín, nổi lên các đối tượng: Dương Văn Hận, thường trú tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang và Nguyễn Thị Nhứt, thường trú tại xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau liên kết với các đối tượng: Nguyễn Thị Uyên, Mai Thành Nhân, thường trú tại huyện Sông Đốc, tỉnh Cà Mau là một “mắt xích” quan trọng của đường dây tội phạm. Cùng giúp sức trong đường dây này còn có một số đối tượng thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau xây dựng kế hoạch mở Chuyên án CM423 để đấu tranh. Với sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và các lực lượng chức năng đã mở rộng điều tra, bắt giữ các đối tượng có liên quan, đề ra biện pháp giải cứu nạn nhân. Sau khi triển khai chuyên án, lực lượng đánh án tiếp tục giải cứu thêm 2 nạn nhân là Dương Mạnh Hùng và Nguyễn Duy Cường.

Thiếu tá Đỗ Văn Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc cho biết: Sau khi tiến hành điều tra, xác minh, hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định của pháp luật, ngày 28/4/2023, Đồn Biên phòng Sông Đốc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi, theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự. Ngày 30/4/2023, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã triệu tập 4 đối tượng (Dương Văn Hận, Nguyễn Thị Nhứt, Nguyễn Thị Uyên và Mai Thành Nhân), bàn giao cho Công an huyện Trần Văn Thời điều tra theo thẩm quyền và tiếp tục phối hợp tiến hành một số nội dung, biện pháp điều tra theo quy định.

Cũng theo Thiếu tá Đỗ Văn Lanh, sau khi tiếp nhận, giải cứu 4 nạn nhân, đơn vị đã tổ chức cho cán bộ quân y hỗ trợ, tư vấn thăm khám sức khỏe, chăm sóc, bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho các nạn nhân; nắm bắt tình hình tư tưởng và thông báo cho gia đình các nạn nhân. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ các nạn nhân về quê đoàn tụ với gia đình.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau khuyến cáo: “Người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm hết sức cảnh giác với những lời chào mời “việc nhẹ, lương cao” được đăng tải trên các trang mạng xã hội, website, hoặc những “người tốt” ở các bến xe, bến tàu. Người lao động nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm ở các địa phương để được tư vấn, hỗ trợ để không bị “sập bẫy” của các đối tượng mua bán người”.

Lê Khoa