UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản chỉ đạo về triển khai các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh, để chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 5.
328 tàu “mất tích” khi hoạt động trên biển
Từ tháng 10/2023 đến nay, tỉnh Bình Định có 8 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, cả 8 tàu cá này đều xuất bến ngoài tỉnh, có chiều dài dưới 15m (không thuộc đối tượng lắp thiết bị giám sát hành trình). 328 tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình thì hầu hết hoạt động tại các tỉnh phía nam không về địa phương.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chức năng của tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 19 trường hợp với số tiền 470 triệu đồng đối với tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình.
Bình Định kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (Ảnh: Doãn Công).
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng điều tra xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản.
Giữa tháng 6, UBND tỉnh Bình Định đã có 5 quyết định xử phạt đối với 5 chủ tàu cá vi phạm về hoạt động khai thác thủy sản, tổng số tiền 4,5 tỷ đồng.
Để xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm IUU, Bình Định giao Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển xử phạt vi phạm hành chính các tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới vùng được phép đánh bắt của Việt Nam.
Bình Định có đội tàu đánh bắt xa bờ rất lớn với hơn 3.200 tàu cá (Ảnh: Doãn Công).
Xử phạt tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình từ 6 giờ đến 10 ngày trong quá trình hoạt động trên biển mà không báo về trạm bờ theo quy định.
Phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Ngoại vụ, Công an, Tòa án nhân dân tỉnh… thống nhất giải pháp xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ năm 2023 đến nay.
Xử lý nghiêm tàu cá tắt thiết bị giám sát
Tỉnh Bình Định cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh khẩn trương phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố ven biển hỗ trợ chủ tàu cá “3 không” thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định.
Đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (chiều dài từ 12 đến dưới 15m) hành nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía nam, hằng năm không về địa phương: tiếp tục vận động chủ tàu phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình mới được xuất bến, tham gia đánh bắt hải sản.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển…
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với sở, ngành, địa phương nghiên cứu các hành vi vi phạm, đề xuất xử lý hình sự đối với các trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017…
UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiếp tục tuyên truyền về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Trong đó, tập trung tuyên truyền đối với các trường hợp tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Yêu cầu chủ tàu cá, thuyền trưởng hoặc gia đình, thân nhân chủ tàu cá ký cam kết đã được tuyên truyền không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá bị cảnh báo và tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển…
100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp thiết bị giám sát
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 6.080 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký, với trên 44.500 lao động khai thác trên biển. Trong đó, 3.213 tàu cá đang hoạt động vùng khơi lắp thiết bị giám sát hành trình; còn lại 23 tàu cá không hoạt động (hư hỏng, nằm bờ) nên chưa lắp thiết bị giám sát.