Giới thiệu, tư vấn việc làm ở nước ngoài cho NLĐ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung tâm DVVL Đồng Tháp cung cấp
Nỗ lực chưa tương xứng
Hạn chế về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội là một trong những nguyên nhân “thôi thúc” tỉnh Cà Mau đầu tư nguồn nhân lực việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong những năm gần đây. Theo đó, từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành các Đề án và kế hoạch triển khai thực hiện công tác này theo từng giai đoạn. Người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ không hoàn lại chi phí ban đầu tối đa 13,8 triệu đồng/LĐ; được hỗ trợ vay vốn làm chi phí xuất cảnh không quá 110 triệu đồng/LĐ.
Kết quả từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, Cà Mau đã đưa gần 2.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (chưa tính LĐ đi làm việc thời vụ); 385 LĐ được chi hỗ trợ ban đầu với số tiền hơn 2 tỉ đồng; 385 LĐ được hỗ trợ vay vốn, với số tiền hơn 34 tỉ đồng. Song, ông Nguyễn Quốc Thanh – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau – nhìn nhận, kết quả trên vẫn chưa tương xứng so với trong thời kỳ hội nhập, nhất là còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành ĐBSCL.
Với “bề dày kinh nghiệm” trong công tác hỗ trợ đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã và đang tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích LĐ sau khi hết hạn hợp đồng về nước khởi nghiệp tại tỉnh nhà. NLĐ sẽ được tiếp cận, hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển ngành nghề nông thôn…
Tuy nhiên, qua khảo sát chỉ có 43/1.107 LĐ khởi nghiệp mở cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 3,8%), chưa đáp ứng kỳ vọng, mong muốn “Đi làm thuê – về làm chủ” của Đồng Tháp. Ông Phạm Việt Công – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp – đánh giá, thời gian, số LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chủ yếu là học sinh vừa tốt nghiệp THPT, chưa qua đào tạo nghề (13.105 LĐ chiếm 84,7%), chưa có định hướng mục tiêu nghề nghiệp tương lai rõ ràng.
Giải pháp phát triển bền vững
Hướng đến mục tiêu việc làm bền vững, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. “Cần thiết gắn đào tạo nghề với văn hóa, phong tục, tập quán của nước mà NLĐ Việt Nam đến làm việc nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nước tiếp nhận. Đặc biệt, chúng ta cần xây dựng chiến lược sử dụng nguồn LĐ đi làm việc ở nước ngoài sau khi trở về nước” – ông Thanh cho hay.
Với TP Cần Thơ, trước thực tế đa số NLĐ thiếu vốn do tài sản thế chấp hạn hẹp, Sở LĐTBXH sẽ chú trọng chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. “Chúng ta cũng có thể xem xét làm cách nào hỗ trợ lãi vay cho NLĐ bằng chính sách xã hội, tức chỉ để họ trả vốn, để họ an tâm làm việc” – đề xuất của Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tại buổi làm việc với Sở LĐTBXH thành phố hồi tháng 4.2024.
Đối với tỉnh Đồng Tháp đã quán triệt tư tưởng, chú trọng giáo dục định hướng cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, NLĐ có kỹ năng, kiến thức ở chuyên ngành, lĩnh vực gì sẽ được ưu tiên sắp xếp ở ngành nghề đó nhằm tiếp cận nhanh. Điều này giúp chuẩn bị tâm thế tốt, thôi thúc bản lĩnh khởi nghiệp cho NLĐ.
“Chúng tôi cũng tăng cường mối quan hệ ngoại giao, tìm hiểu, khảo sát mở rộng thị trường LĐ nước ngoài, nghiên cứu hướng đến thị trường LĐ của các nước Úc, Đức, Canada, Ba Lan…; quan tâm thực hiện tốt việc thẩm định, chọn lọc đơn hàng phù hợp với tình hình và điều kiện của LĐ” – ông Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp cho hay.