Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị chưa bàn giao mặt bằng
Đúng như cam kết, Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị đã hoàn thành việc tháo dỡ nhà xưởng, nhà kho, dây chuyền sản xuất để sẵn sàng bàn giao 200m mặt bằng cuối cùng cho chủ đầu tư dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị thi công. Tuy nhiên, do các hỗ trợ từ phía huyện và tỉnh chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp vẫn “cố thủ”, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án trọng điểm quốc gia này.
Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị đã hoàn thành việc tháo dỡ cơ sở hạ tầng nhưng chưa chịu bàn giao mặt bằng vì chưa được giải quyết các quyền lợi liên quan – Ảnh: Q.H
Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa chịu bàn giao?
200m mặt bằng đi qua diện tích đất của Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị là “điểm nghẽn” cuối cùng trong tuyến chính cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ. Để đảm bảo mặt bằng thi công dự án đúng tiến độ, ngày 2/10 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Linh và Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị đã ký biên bản cam kết với nhiều nội dung thuộc thẩm quyền như: Sớm có phương án hỗ trợ di dời tạm nhà máy sang vị trí liền kề để doanh nghiệp duy trì sản xuất; thông báo công khai trị giá hỗ trợ cho công ty; xây dựng phương án di dời toàn bộ nhà máy tới vị trí mới khi được Nhà nước cho thuê đất như tháo dỡ, lắp đặt, thay thế, bồi thường thiệt hại… Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ngành thì huyện Vĩnh Linh sẽ tổng hợp đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị vào sáng 17/10, ông Nguyễn Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị cho biết: “Đúng như cam kết, đến ngày 14/10, chúng tôi đã hoàn thành việc tháo dỡ nhà xưởng, nhà kho, một số dây chuyền sản xuất và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được câu trả lời từ UBND huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị về những kiến nghị của công ty. Chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi cơ quan chức năng thực hiện cam kết, đặc biệt là sớm hỗ trợ thủ tục pháp lý và xây dựng hạ tầng ở khu đất hơn 6 ha để công ty di dời đến.”
Cũng theo ông Thành, sau khi tự nguyện tháo dỡ nhà xưởng, 30 lao động của công ty chịu ảnh hưởng rất lớn, 20 người đang thất nghiệp, số còn lại làm việc cầm chừng. “Người lao động thiệt thòi, nhà máy cũng vậy. Công ty chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Các cam kết hỗ trợ chưa rõ ràng nên doanh nghiệp không mạnh dạn di dời vì chi phí rất lớn, có thể khiến công ty phá sản,” ông Thành lo lắng.
Theo ghi nhận thực tế tại Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị, toàn bộ nhà xưởng, nhà kho, dây chuyền sản xuất… đã được tháo dỡ, xếp thành dãy, phủ bạt ở nền bê tông bên cạnh. Mặt bằng 200m hoàn toàn đủ điều kiện để bàn giao cho đơn vị thi công tuyến chính cao tốc.
Đề xuất tỉnh 3 nội dung lớn hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cũng xác nhận công tác tháo dỡ ở Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị đã hoàn thành. Trong ngày 16/10, huyện Vĩnh Linh đã cử cán bộ chuyên môn đến công ty hoàn thiện các thủ tục để tiến hành bàn giao 200m mặt bằng cuối cùng cho dự án cao tốc. “Đất đã thu hồi, tài sản đã được công ty dọn dẹp nên chỉ còn chờ bàn giao,” ông Tuấn nói.
Về những kiến nghị, đề xuất hỗ trợ cho phía doanh nghiệp di dời và đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất, ông Tuấn cho biết có 3 nội dung lớn mà huyện Vĩnh Linh đã trình lên UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Cụ thể, theo chủ trương đầu tư của công ty tại vị trí mới thì đến năm 2026 mới đi vào hoạt động. Trong 2 năm xây dựng, di dời nhà máy thì công ty phải tổ chức sản xuất tạm để duy trì bạn hàng. Muốn sản xuất tạm, công ty phải di dời sang phần đất còn lại một bên và đầu tư một dây chuyền để sản xuất. “Chúng tôi đã trình UBND tỉnh hỗ trợ toàn bộ chi phí sản xuất tạm cho công ty với kinh phí hơn 3 tỉ đồng,” ông Tuấn thông tin.
Nội dung thứ hai là xây dựng hạ tầng vị trí mới cho doanh nghiệp có mặt bằng sạch vào sản xuất tại xã Vĩnh Hà, cạnh đường Hồ Chí Minh. Ông Tuấn cho biết, huyện Vĩnh Linh đã làm xong phương án trình tỉnh xin ý kiến, khái toán khoảng 15 tỉ đồng. Tiếp theo là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để doanh nghiệp có các thủ tục đầu tư, nội dung này huyện Vĩnh Linh đang làm để trình tỉnh.
Các hồ sơ liên quan vấn đề ảnh hưởng đến người lao động, thương hiệu công ty, ảnh hưởng từ vị trí cũ đến vị trí mới, vùng nguyên liệu xa…, ông Tuấn cho biết đã được các sở, ngành trả lời.
Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đang nóng lòng chờ đợi nhận bàn giao 200m mặt bằng cuối cùng để tiến hành thi công. Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết huyện Vĩnh Linh đã mời ban đi nhận bàn giao mặt bằng nhưng chủ doanh nghiệp không chịu bàn giao.
“Việc chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng quá nhiều đến tiến độ dự án. Trong khi đó, Quảng Trị đã nhiều lần xin lùi thời hạn bàn giao,” ông Dũng thông tin.
Ông Mai Quý Khánh, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc chậm bàn giao 200m mặt bằng cuối cùng này chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án vào ngày 30/4/2025, vì liên quan đến phần đào, đắp của tuyến.
“Nếu nhận mặt bằng vào thời điểm hiện tại để tiến hành thi công thì chúng tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành dự án đúng tiến độ, còn không sẽ rất khó. Vì vậy, chủ đầu tư rất mong chính quyền địa phương và doanh nghiệp sớm tháo gỡ vướng mắc, bàn giao mặt bằng,” ông Khánh chia sẻ.
Đến nay, Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị vẫn chưa nhận 21 tỉ đồng bồi thường do các kiến nghị chưa được xử lý triệt để. Trước đó, huyện Vĩnh Linh nhiều lần vận động công ty nhận tiền, di dời nhưng không nhận được sự đồng thuận. Thậm chí, huyện Vĩnh Linh đã lên kế hoạch cưỡng chế, nhưng sau đó hoãn do doanh nghiệp tự nguyện tháo dỡ nhà máy để sẵn sàng bàn giao mặt bằng.
Quang Hải