‘Cân nhắc xuất khẩu lao động thay học đại học làng nhàng’

‘Cân nhắc xuất khẩu lao động thay học đại học làng nhàng’

Các độc giả thảo luận những trường hợp nào thì nên cân nhắc đi xuất khẩu lao động, thay vì học đại học làng nhàng.

“Tôi thấy ở quê mình, xuất khẩu lao động đã giúp quê hương bớt nghèo, đời sống cải thiện. Nói gì đâu xa, anh họ tôi học đại học 4 năm xong về xin làm cho xã không được, vào Lâm Đồng mới xin được việc. Làm vài năm rồi lập gia đình (vợ giáo viên tiểu học) cuộc sống khó khăn, lương không đủ chi tiêu cho gia đình 4 người.

Cả nhà về quê, vợ xin dạy ở quê, chồng vay tiền đi xuất khẩu lao động, nhờ đó mà có tiền sửa sang ở quê, đỡ đần được ông bà.

Làng tôi, bạn nào thi điểm cao thì sẽ đi học đại học trường ổn ổn, còn điểm thấp là không điền nguyện vọng đại học mà sẽ đi xuất khẩu lao động. Tôi thấy cũng hợp lý, đại học như là doanh nghiệp kinh doanh họ quan tâm doanh thu, trường nào cũng mở nhan nhản các ngành, tất nhiên trừ những trường top.

Tôi đi làm 10 năm đúng ngành theo học mà không rõ rồi sau này có bị thất nghiệp nữa không đây”.

Độc giả nickname logistics.sanyfuli chia sẻ như trên, về xu hướng một số thanh niên học hết cấp III không vào đại học mà lựa chọn đi xuất khẩu lao động.

Chia sẻ câu chuyện tương tự, độc giả nickname Dân nói:

“Gần khu nhà tôi sinh sống có ba em trai và một em gái vừa học xong PTTH đều không có nguyện vọng học đại học. Gia đình cho các em học một khóa ngoại ngữ khoảng 6 tháng rồi đi xuất khẩu lao động.

Bởi vì anh chị của các em ấy đã đi nước ngoài lao động rồi, họ về Việt Nam đều có tiền xây nhà to ở quê và một khoản vốn kha khá để buôn bán, mở cửa hàng.

Tôi nghĩ các em nhà không khá giả nên có định hướng rõ ràng, không có tiền mà cố gắng theo 4 – 5 năm đại học rất khổ gia đình, mà nếu không theo học tới nơi tới chốn bỏ ngang vì không có tiền tiếp tục học thì lại càng khổ hơn vì vừa mất tiền bạc vừa mất thời gian”.

Ngoài những lý do trên, độc giả Le van Trong nói còn do gánh nặng học phí:

“Còn một vấn đề là việc học giờ tốn kém nhiều so với cách đây 12-15 năm. Tôi thế hệ 8X, đậu đại học năm 2006. Học phí lúc bấy giờ là 1,2 triệu đồng một học kỳ, tiền ăn khoảng 300 nghìn đồng một tháng (một phần cơm 4 nghìn đồng).

Nghỉ hè tôi về quê đi vác lúa, tiền công một buổi là 40 nghìn đồng. Tôi làm đủ tháng thì đủ tiền học phí cho học kỳ đó. Còn tiền ăn thì làm thêm là đủ cả tiền sách vở. Còn bây giờ tiền học phí rẻ cũng phải 25-30 triệu đồng một năm.

Mà một tháng giờ đi làm đủ công 30 ngày như hồi tôi thì cũng được chỉ khoảng 7-8 triệu đồng, mà việc thì không đều. Ngoài ra còn tiền nhà, tiền ăn, sách vở cũng lên giá rất nhiều”.

Độc giả hongnhungpaticusi nói:

“Lưa chọn sau THPT là điều mà các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ, không nên chọn đại như ngày xưa. Học đại học bây giờ chỉ khó với trường top, ngành hot, không khó với ngành đại trà, trường tư.

Bây giờ chọn học cho con phải có hai yếu tố đó là lực học và kinh tế. Lực học giỏi, khá, kinh tế dư dả, hoặc khá thì nên cho con học đại học.

Lực học khá, giỏi, kinh tế trung bình thì có thể chọn trường không đóng học phí hoặc xuất khẩu lao động trước về học sau. Lực học trung bình, kinh tế kém thì XKLĐ hoặc làm công nhân trong nước.

Tóm lại làm gì để kiếm ra tiền và tạo dựng được tương lai ổn định là mong muốn của nhiều người, nên chỉ dựa vào hướng nghiệp một phần thôi còn phải tự tìm hiểu”.

Độc giả Lê Thành Đô đúc kết: “Quan trọng nhất vẫn là tư duy. Học đại học hay đi xuất khẩu lao động thì cứ tùy vào hoàn cảnh mà chọn, nhưng cuối cùng thì cũng phải học bằng cách này hay cách khác để có tư duy tốt, từ đó mới có cơ sở để phát triển tiếp, chứ học nhiều hay quanh năm suốt tháng đi XKLĐ chỉ vì kiếm tiền mà không chú trọng phát triển tư duy thì cuối cùng cũng như nhau thôi”.

Hữu Nghị tổng hợp