Căn nhà 2 tầng của đại gia miền Tây từng tiêu hết 5 tấn vàng, mua máy bay riêng chỉ để đi thăm ruộng lúa

Căn nhà 2 tầng của đại gia miền Tây từng tiêu hết 5 tấn vàng, mua máy bay riêng chỉ để đi thăm ruộng lúa

Trong hành trình khám phá miền Tây sông nước, bạn không nên bỏ qua Bạc Liêu. Cách trung tâm TP.HCM khoảng 280km, với 6h đi ô tô, nơi đây mang nét yên bình vùng sông nước, với những địa danh lâu đời cùng nhiều giai thoại ly kỳ.

Một trong những điểm đến bạn không nên bỏ qua khi về thăm xứ đờn ca tài tử là ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu (tên thật là Trần Trinh Huy), người từng tiêu hết 5 tấn vàng của cha mẹ, theo sách “Công tử Bạc Liêu”. Thậm chí, ông còn sắm cho mình cả máy bay riêng nhằm thăm ruộng vườn cho khỏi mệt và phục vụ các cuộc phiêu lưu của mình.

Nằm ở số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, TP.Bạc Liêu, căn nhà do ông Trần Trinh Trạch – cha của Công tử Bạc Liêu xây dựng trong vòng 2 năm, từ 1917-1919. Đến nay, công trình tồn tại hơn 100 năm nhưng vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và trở thành điểm check-in được nhiều du khách lựa chọn.

Mặt tiền căn nhà của gia đình Công tử Bạc Liêu. Ảnh: Henry Dương

Theo đó, căn nhà này do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây. Tuy nhiên, nội thất bên trong lại toát lại lên nét đẹp của kiến trúc phương Đông với 2 màu chủ đạo là vàng và trắng.

Ảnh: Henry Dương

Căn nhà của gia đình Công tử Bạc Liêu bao gồm 2 tầng và một sân thượng. Tầng 1 được chia thành 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh khá rộng và khu vực cầu thang dẫn lên lầu trên. Cầu thang lên tầng 2 được làm bằng đá cẩm thạch, chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn gồm 9 bậc tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Khu vực tầng 2 có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh khác vô cùng tiện nghi.

Ảnh: Sưu tầm

Bước chân vào căn nhà này, bạn sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Theo đó, tất cả hoa văn trên trần nhà đều do họa sĩ người Pháp vẽ. Trải qua hơn 100 năm nhưng nước sơn, nét vẽ vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, những giá trị kiến trúc, nghệ thuật không những không bị lạc hậu so với thời thế mà trái lại càng trở nên quý giá hơn.

Ảnh: Sưu tầm

Hiện nay, bên trong ngôi nhà này, nhiều món đồ, vật dụng mà gia đình công tử Bạc Liêu từng sử dụng vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Thậm chí nhiều đồ dùng như máy nghe nhạc, điện thoại bàn vẫn còn hoạt động. Đặc biệt, chiếc ô tô được ông Trần Trịnh Trạch mua năm 1930 để đón con trai là Công tử Bạc Liêu đi du học Pháp về vẫn được trưng bày tại khu vực tầng 1.

Chiếc ô tô được mua từ năm 1930. Ảnh: Henry Dương

Hiện nay khi vào thăm nhà của Công tử Bạc Liêu, du khách sẽ phải mất khoản phí 30.000 đồng/người lớn/lần và 20.000 đồng/trẻ em/lần. Ngoài ra, để có thêm thông tin từng món đồ được trưng bày và những giai thoại cuộc đời công tử Bạc Liêu, bạn có thể cân nhắc thuê hướng dẫn viên.

Nhà của Công tử Bạc Liêu có vị trí khá thuận lợi. Sau khi ghé thăm nơi này, bạn có thể di chuyển để check-in một vài điểm đến khác như: chợ Bạc Liêu (300m), chùa Ông (800m), khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1,3km), Quảng trường Hùng Vương (1,5km).

Ngoài ra, khi về thăm xứ đờn ca tài tử, bạn có thể cân nhắc ghé thăm một vài điểm đến dưới đây

Cánh đồng điện gió

Điểm đến này hay Nhà máy Điện gió Bạc Liêu nằm ở ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, cách trung tâm TP hơn 20km. Đây cũng là cánh đồng điện gió đầu tiên của Đông Nam Á được xây dựng trên thềm lục địa bên bờ biển với 62 trụ turbine. Việc nhà máy bố trí các turbine kết hợp với con đường nổi bằng bê tông, đi lại giữa các khu vực trong cánh đồng điện gió một cách dễ dàng, du khách đến đây có thể tha hồ check-in sống ảo trong khung cảnh đẹp tựa trời Âu.

Để có ảnh đẹp, bạn đứng càng xa càng tốt để có thể lấy hết toàn cảnh turbine. Ảnh: Henry Dương

Để sẵn ảnh đẹp, bạn nên đến đây vào thời điểm sáng sớm hoặc sau 16h, lúc trời không còn nắng quá gắt. Để tham quan và chụp hình tại đây, du khách cần mua vé vào cửa.

Chùa Xiêm Cán

Đây là ngôi chùa đặc trưng của người Khmer nằm ở xã hiệp Thành, TP. Bạc Liêu. Ấn tượng của du khách khi đến chùa là cổng được mô phỏng kiến trúc Angkor, phía trên có tượng rắn nhiều đầu, hình ảnh những thiếu nữ nhảy múa.

Du khách dễ dàng cảm nhận được không gian trang nghiêm và thanh bình của một ngôi chùa cổ hơn trăm năm. Ảnh: Henry Dương

Vào những dịp lễ hội lớn như Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Sêne Đôlta (cúng ông bà), Ok Om Bok (cúng trăng), chùa thu hút đông đảo du khách nhất.

Tác giả: Đinh Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn