Đất ở, đất vườn thành đất trồng lúa 2 vụ
Ngày 11/7/2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Ngọc Liêm đã ký ban hành Thông báo số 1564/TB-TTCP kết luận thanh tra trên địa bàn huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Trong đó, thanh tra việc thu hồi đất khu Ao Đấu, thôn Dậu 1, xã Di Trạch để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ để GPMB dự án xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch.
Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (Hinode Royal Park).
Đáng chú ý, Kết luận của TTCP nêu rõ, UBND xã Di Trạch, UBND huyện Hoài Đức, Sở TN&MT tỉnh Hà Tây (cũ) đã thực hiện các thủ tục để trình UBND tỉnh Hà Tây quyết định thu hồi 160.985,6m đất tại xã Di Trạch để thực hiện dự án đất dịch vụ, trong đó thu hồi 149.531,1m2 đất ruộng trồng lúa 2 vụ (đất 2 lúa) và diện tích đất còn lại là đất công ích, nghĩa địa để lập hồ sơ thu hồi là chưa phù hợp với thực tế sử dụng đất.
Kết luận của TTCP nhấn mạnh, trong khu đất Ao Đấu, một số hộ đã xây dựng công trình trước 1/7/2004 và một số hộ đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cây lâu năm, nhưng vẫn bị xác định là đất ruộng trồng 2 vụ lúa, dẫn đến thắc mắc, khiếu nại của công dân vì cho rằng đất của các hộ không thuộc đất 2 lúa như loại đất được thu hồi theo Quyết định số 2094/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây. Nội dung tờ trình của UBND huyện Hoài Đức thể hiện trong diện tích đất trình UBND tỉnh Hà Tây thu hồi có cả đất “thổ cư” thuộc xã Di Trạch là chưa đúng thực tế.
Bên cạnh đó, Kết luận cũng chỉ ra, trong khi dự án chưa được phê duyệt, chưa có mốc giới, diện tích đất thu hồi thì UBND huyện Hoài Đức và Sở Tài chính Hà Tây (cũ) đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể bồi thường; Sở Tài chính đã không lấy tài liệu của của cơ quan TN&MT để làm cơ sở lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ; không có danh sách số hộ, số lao động, không có danh mục công trình phải di dời nhưng trong dự toán lại có danh mục bồi thường về công trình. Đã vậy, Sở Tài chính và UBND huyện Hoài Đức còn áp dụng quy định đã bị bãi bỏ để làm căn cứ trình quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ…
Liên quan đến việc thu hồi đất Ao Đấu (lúc đó có 11 hộ dân đang sinh sống), TTCP kết luận, việc địa phương đưa toàn bộ khu đất Ao Đấu vào phần diện tích đất trồng 2 vụ lúa để lập hồ sơ thu hồi là chưa phù hợp với thực tế sử dụng đất. Mười một hộ dân này sử dụng đất do cha ông để lại. Trong nhiều năm, sổ mục kê của xã Di Trạch ghi chú là “đất ở”, có hộ dân đã xây dựng nhà ở từ những năm 1980, nhưng vẫn bị xác định là “đất lúa”.
Vi phạm của Sở TN&MT Hà Tây (cũ) như: Không lập danh sách các thửa đất bị thu hồi theo quy định (với các nội dung như: số hiệu thửa đất, tên người sử dụng đất, diện tích phần đất có cùng mục đích sử dụng); thiếu chặt chẽ trong việc thẩm định hồ sơ địa chính, xác minh thực địa dẫn đến việc trình UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất 2 vụ lúa nhưng thực tế nhiều diện tích của các hộ không phải là đất trồng lúa; không chủ trì phối hợp với UBND huyện Hoài Đức bàn giao mốc giới và hoàn thiện hồ sơ địa chính, không có mốc giới ngoài thực địa…
Xác định “nhầm” 240 hộ được giao đất dịch vụ
Vẫn theo Kết luận của TTCP, căn cứ các quyết định thu hồi đất dịch vụ và nhu cầu giao đất dịch vụ theo đúng quy định thì diện tích đất dịch vụ UBND huyện Hoài Đức đã thu hồi vượt nhu cầu là 8.756,36m2. Điều đáng nói là, trong số 1.237 hộ được UBND xã Di Trạch lập danh sách đề nghị và UBND huyện Hoài Đức phê duyệt giao đất dịch vụ có 240 hộ chưa có đủ điều kiện được giao đất dịch vụ, với tổng diện tích đất dịch vụ dự kiến giao là 10.966,16m2.
Không những thế, lãnh đạo UBND xã Di Trạch đã xác nhận các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng đất dịch vụ là trái thẩm quyền, cố ý vi phạm quy định về quản lý đất đai, tạo cơ sở cho việc chuyển nhượng đất dịch vụ khi người dân chưa được giao đất theo quy định, những trường hợp đã chuyền nhượng mà không đủ điều kiện được giao đất sẽ dẫn đến hậu quả hiện hữu gây ra các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp liên quan đến xác nhận của UBND xã.
Căn cứ vào những vi phạm đã được chỉ ra như trên, TTCP đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức lập phương án cụ thể khắc phục việc thu hồi đất dịch vụ vượt so với nhu cầu, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật đất đai; rà soát, báo cáo cụ thể với UBND thành phố về điều kiện giao đất dịch vụ của 240 hộ nêu tại mục 1 của phần Kết luận để UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý, khắc phục bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của Nhà nước.
Đồng thời, TTCP cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan Công an điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi của Lãnh đạo UBND xã Di Trạch đã xác nhận các giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng đất dịch vụ trái thẩm quyền, cố ý vi phạm quy định về quản lý đất đai nêu trên. TTCP yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị, chỉ đạo xử lý sau thanh tra theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện về TTCP.
Tuy nhiên, sau một năm TTCP công bố kết luận thanh tra các vi phạm trong công tác quản lý đất đai, thu hồi đất tại huyện Hoài Đức, 11 hộ dân tại khu Ao Đấu vẫn tiếp tục ngóng chờ huyện Hoài Đức thực hiện nghiêm túc kết luận của TTCP. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, các hộ dân này vẫn chưa được xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống, dù hàng chục trường hợp khác có điều kiện tương tự đã được cho phép xây dựng nhà ở cao tầng, kiên cố.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 8/8, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Hoài Đức, tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía các đơn vị chức năng huyện Hoài Đức.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh thông tin vụ việc.