Gen Z muốn tận hưởng kỳ nghỉ không có deadline
Làm việc hết năng suất để công việc không “chen chân” vào kỳ nghỉ
Để có một kỳ nghỉ lễ trọn vẹn, thoải mái và không vướng bận bởi công việc, nhiều bạn trẻ đã phải làm việc năng suất trước đó để hoàn thành mọi deadline.
Chạy đua với khối lượng công việc khổng lồ trước kỳ nghỉ lễ, Khắc Ngọc Đạt (22 tuổi), nhân viên marketing tại một công ty ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ: “Mình đã sắp xếp công việc và lên kế hoạch cho chuyến đi trước kỳ nghỉ lễ rất lâu. Trước khi nghỉ lễ mình đã phải làm việc nhiều hơn ngày bình thường 4 tiếng đồng hồ, ngoài thời gian làm trên công ty, mình tranh thủ buổi tối hay sáng sớm để làm thêm việc”.
Ngọc Đạt đang tận hưởng kỳ nghỉ tại đảo Phú Qúy
Nhờ hoàn thành hết công việc trước ngày nghỉ lễ nên anh chàng gen Z đang vi vu tận hưởng kỳ nghỉ 4 ngày ở hòn đảo Phú Quý xinh đẹp (tỉnh Bình Thuận).
”Vẻ đẹp hoang sơ, yên bình và các món ăn đặc trưng của vùng biển, cộng với không gian yên tĩnh, sự thân thiện của người địa phương giúp mình cảm thấy thư giãn khi được sống chậm lại, tránh đi sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Đúng nghĩa là một kỳ nghỉ lễ trọn vẹn, tự thưởng cho bản thân sau những ngày vùi đầu vào công việc”, Đạt vui vẻ nói.
Cũng giống như Đạt, để có một kỳ nghỉ lễ như ý, Vũ Quang Thiện (24 tuổi), ngụ TP.HCM cũng cố gắng xử lý hết công việc để yên tâm nghỉ lễ, về quê nhà Cần Thơ với tâm trạng thoải mái nhất.
Quang Thiện xử lý hết công việc trước khi về quê nghỉ lễ
”Trước lễ vài ngày mình đã làm việc hết năng suất, bắt đầu ngày làm việc sớm hơn và kết thúc muộn hơn so với bình thường. Vì là trưởng nhóm nên mình chia việc cho các thành viên trong nhóm, liên hệ làm việc với khách hàng… để về quê tận hưởng kỳ nghỉ đúng nghĩa không có công việc. Dành thời gian làm điều mình thích mà trước đây chưa làm được vì ưu tiên công việc”, Thiện cho hay.
Nghỉ lễ là dịp để xả stress
Sau khoảng thời gian làm việc mệt mỏi, nhiều bạn trẻ muốn tận dụng kỳ nghỉ lễ để xả stress, lấy lại năng lượng. Đó là lý do vì sao họ không muốn làm việc trong những ngày nghỉ lễ.
Vì tính chất công việc nên Nguyễn Đình Duy (26 tuổi) làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở Q.5, TP.HCM phải làm việc cả những ngày lễ, mặc dù được trả lương gấp đôi nhưng anh chàng gen Z này vẫn không muốn đi làm trong ngày lễ. Do đó, Duy đã thỏa thuận với đồng nghiệp để đổi ca trực.
”Vì lâu rồi chưa có dịp về quê nên mình muốn dành kỳ nghỉ lễ cho gia đình, gặp gỡ bạn bè. Xem như là dịp để xả stress, dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi nên không muốn bị ảnh hưởng bởi công việc. Sau khi sắp xếp ổn thoả, mình đã đi phượt bằng xe máy điện từ TP.HCM về Phan Thiết”, Duy nói.
Mặc dù được trả lương gấp đôi nhưng Đình Duy từ chối đi làm trong thời gian nghỉ lễ
Đó cũng là lý do vì sao Nguyễn Linh Anh (22 tuổi), ngụ tại 126 Võ Duy Ninh, P.22, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) muốn dành cả kỳ nghỉ lễ để nghỉ ngơi. Do đó, vừa kết thúc công việc là cô nàng gen Z tranh thủ về quê ở Quảng Nam.
“Bình thường đi làm đã có quá nhiều vấn đề để suy nghĩ và áp lực rồi nên mình không muốn phải suy nghĩ gì thêm trong những ngày lễ nữa. Mình muốn dành toàn thời gian đó để nghỉ ngơi và vui chơi cùng cả nhà”, Linh Anh nói.
Tương tự, Khắc Ngọc Đạt cũng không muốn công việc “chen chân” vào những ngày nghỉ. “Nghỉ lễ là thời gian để thư giãn, tận hưởng cuộc sống và quan trọng nhất là tăng cường sức khỏe tinh thần sau những ngày bộn bề với công việc. Nếu công việc “chen chân” vào kỳ nghỉ lễ có thể làm cho mình cảm thấy khó chịu, khiến kỳ nghỉ lễ không được trọn vẹn. Điều này có thể dẫn đến sự buồn chán và căng thẳng kéo dài trong công việc”, Đạt bày tỏ.