Một cụ bà 70 tuổi tại Hong Kong thành người “nắm giữ kỷ lục” khi bị lừa tới gần 258 triệu HKD (850 tỷ đồng), sập bẫy thủ đoạn giả nhà chức trách gọi điện thoại đe dọa.
Hồi tháng 6/2024, cảnh sát Hong Kong cho hay đã bắt 10 nghi phạm trong vụ lừa đảo qua điện thoại có giá trị “lớn nhất từng được ghi nhận”, 258 triệu HKD (850 tỷ đồng). Nạn nhân là nữ doanh nhân 70 tuổi.
Cảnh sát cho hay những kẻ lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn được áp dụng trong rất nhiều vụ việc tương tự: mạo danh công an, cán bộ nhà nước hoặc phổ biến nhất là nhân viên hỗ trợ khách hàng của WeChat (siêu ứng dụng phổ biến của Trung Quốc chuyên cung cấp mọi thứ từ mạng xã hội đến thanh toán điện tử).
Kẻ lừa đảo sẽ báo thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng của khách đã bị đóng băng do liên quan đến vụ án nào đó, hoặc do cung cấp dữ liệu không chính xác trên nền tảng quản lý tài sản của WeChat.
Nếu muốn mở khóa tài khoản, khách phải chuyển tiền vào số tài khoản do chúng chỉ định để “xác minh danh tính”, “chứng minh trong sạch”…
Để tăng lòng tin, kẻ lừa đảo sẽ gửi nhiều hình ảnh, tài liệu giả mạo chức vụ, nhân thân, thao túng tâm lý để người nghe sợ hãi buộc phải chuyển tiền.
Năm 2023, Hong Kong ghi nhận thiệt hại từ các vụ lừa đảo tài chính gấp đôi so với 2022, lên 9,18 tỷ HKD (khoảng 30.000 tỷ đồng) đưa thành phố 7,5 triệu dân này lên vị trí đứng đầu thế giới về tổn thất bình quân đầu người do lừa đảo tài chính qua mạng. 10% số nạn nhân là người trên 60 tuổi.
Tại Mỹ, báo cáo vào tháng 4 vừa qua của FBI cho hay người trên 60 tuổi tại nước này đã bị lừa 3,4 tỷ USD (khoảng 90.000 tỷ đồng) qua mạng vào năm 2023, tăng 11% so năm 2022. Mỗi nạn nhân cao tuổi mất trung bình 34.000 USD (900 triệu đồng).
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) dự báo lừa đảo bằng AI có thể khiến người cao tuổi thiệt hại tới 100 tỷ USD vào năm 2025.
Nhà chức trách khẳng định những tổn thất đối với người Mỹ lớn tuổi có thể còn chưa được thống kê đầy đủ, và vẫn là một vấn đề ngày càng gia tăng.
Hai phụ nữ lớn tuổi sử dụng điện thoại thông minh để trò chuyện video trong một lớp học trực tuyến dành cho người cao tuổi ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Tại sao kẻ lừa đảo nhắm vào người già?
Theo FBI, người cao tuổi thường là mục tiêu vì có xu hướng cả tin và lịch sự. Họ cũng thường có tiền tiết kiệm, sở hữu nhà và có tín dụng tốt. Tất cả điều này khiến họ trở thành miếng mồi hấp dẫn đối với những kẻ lừa đảo.
Ngoài ra, người cao tuổi có thể ít có xu hướng báo cáo gian lận vì không biết cách hoặc họ có thể quá xấu hổ vì đã bị lừa đảo. Và khi một nạn nhân lớn tuổi báo cáo tội phạm, họ có thể không cung cấp được thông tin chi tiết phục vụ nhà điều tra.
Các nguyên nhân này cũng được phân tích trong nghiên cứu năm 2023 của University College London (UCL). Theo đó, hầu hết người cao tuổi không thành thạo sử dụng máy tính. Trong khi ngày nay, mọi người đều sống trong thế giới kỹ thuật số, sống cuộc sống trực tuyến, từ giao dịch ngân hàng đến tư vấn y tế.
Người cao tuổi ít nhận thức được các mối đe dọa mạng và trong nhiều trường hợp thiếu các công cụ và kinh nghiệm để xác định các âm mưu nhắm vào mình. Họ dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc làm theo yêu cầu của người xưng danh nhà chức trách, nhân viên xã hội, bảo hiểm, quà tặng miễn phí…
Theo nghiên cứu, các vấn đề sức khỏe cũng khiến người cao tuổi dễ bị lừa đảo hơn do hay gặp phải sức khỏe và khả năng vận động suy giảm. Điều này có thể dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào dịch vụ ngân hàng trực tuyến, chăm sóc sức khỏe và phương tiện truyền thông xã hội.
Do đó, nhu cầu chia sẻ thông tin cá nhân thường xuyên hơn làm tăng nguy cơ bị đánh cắp danh tính.
Các vấn đề về trí nhớ càng phổ biến hơn khi tuổi tác ngày càng cao, khiến họ khó ghi nhớ các sự kiện, chi tiết về tội phạm và do đó việc báo cáo tội phạm trở nên khó khăn. Vấn đề sa sút trí tuệ ở người già cũng làm giảm khả năng phán đoán tình huống và ít nhạy bén khi đưa ra quyết định sáng suốt.
Người lớn tuổi có nhiều khả năng có mạng lưới quan hệ xã hội nhỏ hơn và sống một mình. Điều này làm giảm cơ hội thảo luận về các vụ lừa đảo tiềm ẩn và
tìm kiếm lời khuyên từ người khác khi họ lo lắng hoặc nghi ngờ về tính hợp pháp của các yêu cầu trực tuyến.
Ở các nước phát triển, việc người cao tuổi (trên 65 tuổi) sống một mình ngày càng phổ biến. Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, năm 2020, những quốc gia có tỷ lệ người già sống một mình cao nhất như Pháp (38,4%), Phần Lan, Hà Lan và Thụy sĩ (trên 35%), Vương quốc Anh (32,7%)…
Theo nghiên cứu của UCL, sự cô đơn có thể tạo ra động lực ban đầu để người lớn tuổi cố gắng gặp gỡ mọi người ở không gian trực tuyến, tăng khả năng họ tiếp xúc với những kẻ lừa đảo trực tuyến.
Những kẻ lừa đảo có thể làm bạn, tạo ra cảm giác thân mật, tin tưởng để người già làm theo lời khuyên của chúng, đặc biệt trong các vụ “đầu tư sinh lãi khủng”.
Nhiều người lớn tuổi có nhiều tài sản như bất động sản, tiền tiết kiệm và điểm tín dụng tốt, khiến càng trở thành mục tiêu tốt cho những kẻ lừa đảo.
Có nhiều định kiến xã hội rằng người bị lừa tiền hầu hết là do tham lam. Đây chính là rào cản chính khiến các nạn nhân cao tuổi chịu cảm giác xấu hổ, mặc cảm tội lỗi và khó chia sẻ, tìm kiếm giúp đỡ.
Người lớn tuổi có thể lo sợ rằng việc tiết lộ việc bị lừa đảo sẽ khiến con hiểu là họ sự suy giảm khả năng nhận thức, khả năng tự chăm sóc bản thân hoặc khả năng tài chính. Họ sợ người thân phán xét và sợ trở thành gánh nặng.
UCL đánh giá đây là “xúc tác” cho tội phạm mạng hoành hành với nạn nhân cao tuổi.
Người cao tuổi Mỹ học cách sử dụng công nghệ trong thời đại số, trong một lớp học của tổ chức phi lợi nhuận Senior Planet của Hiệp hội Người hưu trí Mỹ AARP. Ảnh: Senior Planet
Lá chắn nào cho người cao tuổi?
Mọi thứ đều bắt đầu và kết thúc bằng giáo dục, nhưng lần này, thế hệ trẻ cần giáo dục cha mẹ mình.
“Sự gia tăng tội phạm mạng nhắm vào người lớn tuổi làm nổi bật sự giao thoa quan trọng giữa công nghệ, tâm lý và trách nhiệm xã hội. Tổn thất về mặt cảm xúc, mất mát về tài chính từ các vụ lừa đảo này gây ra còn vượt xa tác động tức thời, ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng”, bà Rebecca Law, Giám đốc quốc gia Singapore của Check Point Software Technologies, tập đoàn cung cấp các biện pháp bảo mật công nghệ thông tin cho biết.
Theo chuyên gia này, điều quan trọng là trao quyền cho người cao tuổi bằng cách giúp họ kiến thức và công cụ cần thiết để tự bảo vệ mình trực tuyến.
“Bằng cách nâng cao nhận thức và thúc đẩy hiểu biết về kỹ thuật số, chúng ta có thể giúp thế hệ lớn tuổi của mình điều hướng thế giới kỹ thuật số an toàn và tự tin hơn”.
Cảm giác xấu hổ và ngượng ngùng khi bị lừa đảo có thể khiến tình hình căng thẳng trở nên tồi tệ hơn. Những lời trấn an có thể giúp người lớn tuổi và tiền của họ an toàn hơn trước những kẻ lừa đảo trong tương lai.
Chuyên gia khuyên con, cháu hãy trò chuyện với cha mẹ, những nạn nhân vừa bị lừa đảo, bằng lòng tốt và sự đồng cảm, không phải sự tức giận hay coi thường. “Hãy nói, con rất tiếc vì điều này đã xảy ra với bố mẹ. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra cách giải quyết nhé”.
Dưới đây là một số lời khuyên bạn có thể dành cho những thành viên cao tuổi để tự bảo vệ mình trước lừa đảo trực tuyến:
Nhận diện các hình thức lừa đảo: Nghiên cứu và thực tế đều cho thấy người cao tuổi không để ý đến các rủi ro trên mạng. Vì vậy, bạn nên giải thích cho họ một số khái niệm cơ bản và cung cấp một số ví dụ về các loại tội phạm trực tuyến phổ biến, để họ biết và cảnh giác.
Không nhận bất cứ thứ gì từ người lạ: Bất kỳ thông tin liên lạc nào từ một bên mà họ không biết rõ về mặt cá nhân đều phải được xử lý một cách thận trọng. Nên cho rằng tất cả hồ sơ trên mạng xã hội đều là giả cho đến khi có bằng chứng nó là thật.
Đừng tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào cho bất kỳ ai: Ngay cả khi bạn tin rằng mình đang liên lạc với một nhân viên nhà nước thật, cũng đừng cung cấp thông tin chi tiết về thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng, địa chỉ nhà.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy hỏi người thân: Nếu có yêu cầu cung cấp thông tin liên lạc, bạn nên tham khảo ý kiến của người am hiểu về bảo mật để xem trang web có đáng tin không. Đôi khi người đó có thể là đứa cháu trai 13 tuổi am hiểu về internet.
Bảo vệ tài khoản: Nếu người cao tuổi nhận được yêu cầu thay đổi mật khẩu hoặc thông tin tài khoản (ngân hàng, mạng xã hội, điện nước, bảo hiểm…) đừng hành động ngay lập tức. Nhắc nhở họ báo cáo nhà cung cấp dịch vụ bằng đường dây nóng chính thức của cơ quan đó để kiểm tra tính xác thực của những yêu cầu này.
Tải xuống ứng dụng an toàn: Chỉ tải xuống ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy như Google Play Store hoặc Apple App Store để tránh phần mềm độc hại.
Hải Thư (Theo SCMP, FBI, ABC, UCL, AP)