Buộc người nổi tiếng thận trọng trước khi quảng cáo
Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo đề xuất người có sức ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm phải có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng (NTD) về việc mình đang thực hiện quảng cáo. Đặc biệt, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, họ phải là "người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm".
Quy định mới về người nổi tiếng
Có thể thấy, mô típ quen thuộc trong các video quảng cáo về thực phẩm chức năng có sự tham gia của một số diễn viên truyền hình, cho biết mình hoặc thành viên trong gia đình có các triệu chứng không tốt về sức khỏe, sau khi sử dụng sản phẩm đang quảng cáo thì thấy tác dụng rất tốt, khuyên mọi người nên mua.
Không chỉ diễn viên, người có ảnh hưởng (còn gọi là người nổi tiếng) có thể gồm ca sĩ, người dẫn dắt dư luận (KOL), người có nhiều người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội… Các sản phẩm quảng cáo với sự tham gia của người nổi tiếng vì thế cũng ngày càng đa dạng, phức tạp hơn.
Khía cạnh tích cực và tiêu cực
Thực tế trên dẫn đến hai khía cạnh. Ở mặt tích cực, nếu người nổi tiếng quảng cáo có trách nhiệm, có đạo đức thì đương nhiên sẽ góp phần định hướng, "thẩm định" bước đầu chất lượng sản phẩm giúp NTD, như vậy là rất tốt. Nhưng ở mặt tiêu cực, hoạt động tham gia quảng cáo của người nổi tiếng thời gian qua có phần bát nháo. Một số người vì chạy theo lợi ích kinh tế mà bất chấp quảng cáo theo đặt hàng của DN, nói vống, thậm chí nói sai về tác dụng, hiệu quả của sản phẩm. Tình trạng này khiến NTD chịu thiệt hại cả về sức khỏe lẫn tài chính.
Liệu có khả thi?
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, băn khoăn về tính khả thi của đề xuất người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo. "Cơ chế nào giám sát người nổi tiếng đã dùng sản phẩm trước khi quảng cáo, kể cả khi đã dùng thì lấy gì để kiểm soát họ sẽ nói trung thực về tác dụng, hiệu quả của sản phẩm?", bà Lan đặt vấn đề.
Theo nữ đại biểu, rất khó để có một cơ quan giám định độc lập nhằm xác định về tính hiệu quả của sản phẩm trong quảng cáo. Trong khi đó, nếu chỉ trông chờ vào sự trung thực của người chuyển tải quảng cáo thì rất "mong manh" và chủ quan.
Phải trở thành NTD thông minh
Tại phiên chất vấn hôm 12.11, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới tình trạng quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho NTD trong nước. Giải pháp nào để ngăn chặn vấn đề này? Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện nay chúng ta đang tiếp cận theo hướng xử lý trách nhiệm đối với đơn vị phát hành quảng cáo hoặc các công ty quảng cáo. Thế nhưng gốc rễ vấn đề là phải xử lý mạnh tay đối với nhãn hàng có sản phẩm được quảng cáo sai sự thật. "Đi như vậy đều chân thì việc quảng cáo trên không gian mạng sẽ tốt hơn rất nhiều", ông Hùng khẳng định.