Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sa thải nhân sự, tiết kiệm chi phí để “tồn tại” trong khủng hoảng

Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sa thải nhân sự, tiết kiệm chi phí để “tồn tại” trong khủng hoảng

Sau hai năm với nhiều biến động lớn, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang bắt đầu cho thấy những động thái để sẵn sàng quay trở lại vào năm 2023.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã lao dốc trong hai năm qua. Một phần nguyên nhân dẫn tới điều này là do các nhà phát triển bất động sản của nước này đã mắc nợ chồng chất sau nhiều năm lạm dụng đòn bẩy tài chính và chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc này.

Sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc bắt đầu cho thấy những dấu hiệu về việc sẽ quay trở lại trong năm 2023, qua đó củng cố vị thế của ngành bất động sản Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế nước nhà.

Một trong những động thái ban đầu được các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đưa ra là tái cơ cấu bộ máy nhân sự. Một trường hợp điển hình có thể kể đến Công ty phát triển bất động sản Languang Tứ Xuyên (Sichuan Languang Development), đơn vị chuyên xây dựng các tòa nhà văn phòng có trụ sở tại thành phố Thành Đô, phía Tây Nam Trung Quốc.

Sichuan Languang Development đã thực hiện cắt giảm khoảng 90% lực lượng lao động kể từ đầu năm 2021 và báo cáo khoản lỗ lũy kế là 11,7 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD) tính đến quý III năm ngoái.

Công ty đã bán hết tài sản khi phải chiến đấu để duy trì hoạt động. Vị chủ tịch mới chỉ 27 tuổi Yang Wuzheng của Sichuan Languang Development đã tiếp cận hàng chục công ty bất động sản lớn hơn và các nhà đầu tư tiềm năng khác để tìm kiếm một gói cứu trợ, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thành công.

“Về cơ bản, rất nhiều người trong chúng tôi đang cố gắng tận dụng tối đa thời gian để giúp phục hồi doanh nghiệp” Yang nói. Hiện tại, mục tiêu của anh chỉ đơn giản là “giữ đội ngũ của công ty ở lại với nhau và khám phá một con đường phát triển mới phía trước, cho dù có phải tái cấu trúc, đầu tư chiến lược hay xoay chuyển thị trường”.

Kể từ giữa năm 2020, các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách giảm rủi ro bong bóng bất động sản bằng các biện pháp như giới hạn cho vay đối với ngân hàng và hạn chế việc vay nợ của các nhà phát triển không đáp ứng các mục tiêu tài chính nghiêm ngặt.

Đối với nhiều công ty vừa và nhỏ, những động thái này khiến họ không thể duy trì hoạt động. Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cao cấp tại Creditsights Singapore cho biết: “Thị trường bất động sản của Trung Quốc khá phân mảnh, vì vậy ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe của các ngành thượng nguồn và hạ nguồn, cũng như là một phần không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế.

Một số doanh nghiệp trong khu vực là những công ty tham gia chính trong việc bán đất tại địa phương và do đó rất quan trọng đối với điều kiện tài chính của chính quyền địa phương”.

Khi các hạn mức tín dụng ngày càng trở nên khó tiếp cận và doanh số bán nhà sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-10, nhiều nhà phát triển bất động sản, bao gồm cả Tập đoàn Evergrande khổng lồ trong ngành, đã buộc phải gia hạn trả nợ hoặc tạm dừng xây dựng một số dự án.

Sichuan Languang Development là một trong những công ty đã phải làm cả hai. “Sau khi vỡ nợ, chúng tôi có khoảng 100 dự án nhà ở bị đình trệ ở hơn 70 thành phố. Đó là một bế tắc, các bên liên quan muốn cắt lỗ”, người đứng đầu Sichuan Languang Development chia sẻ.

Những dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện

Một thước đo của Bloomberg theo dõi giá cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã giảm hơn 40% trong hai năm qua, trong khi chỉ số trái phiếu bằng đồng USD lợi suất cao do các nhà xây dựng thống trị có mức giảm tệ thứ hai lịch sử, được ghi nhận vào năm 2022.

Nhiều năm lạm dụng đòn bẩy tài chính để đạt tốc độ tăng trưởng cao đã dạy cho các doanh nhân trong ngành bất động sản Trung Quốc bài học lớn. Con đường thịnh vượng của họ dường như cũng đã bị đóng lại.

Giờ đây, chính phủ Trung Quốc đã hạ thấp rủi ro hệ thống do những công ty như Evergrande gây ra và đang đẩy mạnh nỗ lực xoa dịu tình trạng hỗn loạn của lĩnh vực bất động sản.

Vào tháng 11/2022, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch gồm 16 biện pháp để giảm bớt các vấn đề về thanh khoản trong lĩnh vực này và đã gợi ý rằng sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa.

Các nhà đầu tư đã đổ xô trở lại lĩnh vực bất động sản kể từ khi có các biện pháp hỗ trợ, khiến chỉ số chứng khoán tăng hơn 50% trong hai tháng qua. Trong khi đó, ưu tiên của chính phủ là đảm bảo rằng những ngôi nhà chưa hoàn thành sẽ được hoàn thành để kịp bàn giao cho người mua.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn sẽ cần phải tự vực dậy, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và tâm lý người tiêu dùng vẫn còn ở mức yếu.

Con đường phục hồi còn dài

Người đứng đầu Sichuan Languang Development mô tả cảm giác choáng ngợp trước những thách thức mà công ty của anh có thể phải đối mặt trong năm 2023. Trong số hàng nghìn nhân viên rời Languang, nhiều người đã rời bỏ hoàn toàn ngành bất động sản để chuyển sang những ngành khác, hoặc chịu cảnh thất nghiệp.

Để kiểm soát chi phí, những điều nhỏ nhặt bây giờ lại trở nên quan trọng với những công ty như Sichuan Languang Development. Các tài liệu được in trên cả hai mặt giấy thay vì một mặt như trước, các văn phòng chỉ có điều hòa một chiều và những bữa tiệc xa hoa (đặc điểm của ngành bất động sản Trung Quốc) cũng dần biến mất.

Tuy nhiên, Yang cho biết công ty đã khởi động lại hơn 90% các dự án nhà ở bị đình trệ với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Nhà phát triển bất động sản này có tổng cộng khoảng 400 dự án đang hoạt động. Yang tin rằng cách tốt nhất để vực dậy Languang là tái cấu trúc hoàn toàn.

Evergrande, nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc trong hai năm qua, đã tuyên bố sẽ trả nợ vào năm 2023 sau khi liên tục trì hoãn kế hoạch tái cơ cấu được nhiều người kỳ vọng.

“Về lâu dài, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ vẫn quan trọng, nhưng đóng một vai trò nhỏ hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP của quốc gia này khi chính quyền Trung Quốc từ bỏ theo đuổi việc tăng trưởng số lượng để tăng trưởng chất lượng”, ông Chi Lo, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại BNP Paribas Asset Management Asia, chia sẻ.