Trước đây, hoạt động xét xử tại TAND tỉnh Tây Ninh và các địa phương gặp không ít khó khăn, nhất là việc quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án.
Hệ thống hồ sơ giấy làm tốn thời gian tìm kiếm, tra cứu và dễ bị thất lạc, mất mát.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ các cơ quan chức năng, luật sư và các bên liên quan cũng gặp nhiều rào cản về mặt thủ tục hành chính, giao tiếp.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế còn dẫn đến sự thiếu minh bạch trong hoạt động xét xử.
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đã trở thành xu thế tất yếu trong “thời đại số” để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới.
Phiên tòa xét xử trực tuyến được TAND tỉnh Tây Ninh triển khai rộng rãi.
Trong đó có việc hiện thực hóa cam kết của TANDTC Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử).
Những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của TANDTC, TAND tỉnh Tây Ninh đã bắt kịp xu hướng chuyển đổi số.
Một trong những bước đi quan trọng của TAND tỉnh Tây Ninh là xây dựng và triển khai hệ thống quản lý hồ sơ điện tử. Hệ thống này giúp số hóa toàn bộ hồ sơ vụ án, từ đó giảm thiểu tình trạng thất lạc, rút ngắn thời gian tra cứu và xử lý thông tin.
Các vụ án có thể được truy cập và theo dõi trực tuyến, giúp việc quản lý và xử lý vụ án trở nên minh bạch, chính xác hơn.
Bên cạnh đó, TAND tỉnh Tây Ninh áp dụng hệ thống phiên tòa trực tuyến, cho phép các bên tố tụng như luật sư, bị cáo, nhân chứng và các cơ quan chức năng tham gia phiên tòa từ xa qua các nền tảng video call.
Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn góp phần giảm tải cho các phiên tòa tại trụ sở, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoặc khi có nhu cầu xét xử nhanh chóng.
Những kết quả mà TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh đạt được nhờ phần lớn vào công tác chuyển đổi số.
Việc sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” cũng được TAND tỉnh Tây Ninh chú trọng. Đây là phần mềm để Thẩm phán tra cứu các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự phục vụ cho công tác chuyên môn.
Phần mềm này đã nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực bởi tính thân thiện, dễ sử dụng, đa dạng các hình thức tra cứu.
Có thể thấy rằng, việc chuyển đổi số tại TAND tỉnh Tây Ninh mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, không chỉ nâng cao hiệu quả công việc, tăng cường tính minh bạch và công bằng trong công tác xét xử mà còn giúp giảm bớt gánh nặng công việc cho cán bộ Tòa án.
Hay nói cách khác, chuyển đổi số trong hoạt động xét xử của TAND tỉnh Tây Ninh là bước đi quan trọng trong cải cách tư pháp.
Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề lớn là nguồn lực tài chính và con người.
Trụ sở TAND tỉnh Tây Ninh.
Trong đó, việc đào tạo cán bộ Tòa án để sử dụng thành thạo các công nghệ này là một yếu tố quan trọng, mang tính tất yêu trong quá trình chuyển đổi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian tới, TAND tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, tăng cường đào tạo nhân lực và mở rộng các dịch vụ tòa án trực tuyến.
Nếu làm được điều đó, hoạt động xét xử không chỉ nhanh chóng, chính xác mà sẽ trở thành một quá trình minh bạch, công bằng, phục vụ tốt hơn cho người dân và xã hội.
Năm 2024 (1/10/2023 – 30/9/2024), TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh đã giải quyết 13.542/14.547 vụ, việc đã thụ lý các loại, đạt tỷ lệ 93,09%. So với cùng kỳ, tỷ lệ giải quyết tăng 2,07%.
Cũng theo thống kê, TAND hai cấp đã công bố 3.159 bản án, quyết định (trong đó tỉnh công bố 699 bản án, quyết định; huyện công bố 2.460 bản án, quyết định) trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.