‘Bốn nhà phải chung tay mới đẩy thông nhà ở xã hội’

‘Bốn nhà phải chung tay mới đẩy thông nhà ở xã hội’

Nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân phải chung tay mới mong hiện thực hóa giấc mơ phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực.

Tại Talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực” do Tập đoàn Hoàng Quân và báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 17/11, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết tiến độ triển khai đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang rất chậm.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2021 có 16 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhưng đến nay mới 10% trong đó được triển khai, số lượng dự án hoàn thành đạt 4% kế hoạch. Giai đoạn 2021-2025, cả nước dự kiến cần 1,1 triệu căn nhưng khả năng đáp ứng chỉ 0,4 triệu căn (được 36%). Giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu là hơn 1,3 triệu căn và khả năng đáp ứng dự kiến khoảng 0,6 triệu căn (được 46%).

Tình hình triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng chỉ mới giải ngân 1.783 tỷ đồng (tương đương 1,5% quy mô gói), trong đó dư nợ từ người mua nhà đi vay chỉ 150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chỉ ra 5 điểm nghẽn của nhà ở xã hội gồm quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Hiện nay thủ tục triển khai nhà ở xã hội đã được “cởi trói” phần nào nhưng vẫn còn vướng cơ chế, quy trình khi mỗi địa phương thực hiện một kiểu, hồ sơ phê duyệt phức tạp, kéo dài làm nản lòng doanh nghiệp.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhận định làm nhà ở xã hội khó hơn là nhà thương mại, bởi nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu là các gói tín dụng ngắn và trung hạn, mang tính thời điểm, không bền vững. Cơ chế triển khai vẫn là doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư nhưng bị giới hạn lợi nhuận tối đa 10% trong khi thủ tục, quy chế khó hơn làm nhà thương mại.

“Nhiều chủ đầu tư không mặn mà, chọn phân khúc này phần nhiều là sự san sẻ với xã hội”, ông Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc trình nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Phương Uyên

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc trình nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Phương Uyên

Quan trọng là tìm quỹ đất làm nhà ở xã hội rất khó, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Ngay cả ở các tỉnh cũng có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất do địa phương chưa quan tâm, chủ động dành quỹ đất cho loại hình này khi quy hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng một “điểm nghẽn” lớn khác là lãi suất vay. Nhà ở xã hội là sản phẩm mà Chính phủ mong muốn phát triển dành riêng cho nhóm người có thu nhập thấp. Nhưng thu nhập thấp khó đi vay mua nhà khi lãi suất lên đến 6,6%, mức này thậm chí cao hơn cả lãi vay ưu đãi nhiều nhà băng áp dụng cho mua dự án thương mại.

“Từ 4,8% tăng lên 6,6% là mức tăng khá cao. Lãi tăng đồng nghĩa chi phí mua nhà tăng và người dân càng khó tiếp cận”, ông Châu nhận xét.

Thạc sĩ Trần Hoàng Nam, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, nêu ý kiến về câu chuyện đầu ra. Nhiều địa phương, người dân muốn mua nhà ở xã hội thì không có, nhưng không thiếu dự án bán chẳng ai quan tâm. Các nhà phát triển cần xem xét lại chất lượng nhà ở xã hội, không giữ tâm lý làm nhà ở xã hội là phải ở vùng sâu vùng xa, vị trí xấu, không cần tiện ích, dịch vụ hay chất lượng sống cao. Nếu làm dự án ở nơi không thuận lợi giao thông, hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế dân sinh không tốt… thì làm cũng bỏ phí. Rõ ràng nhất là hàng nghìn căn nhà tái định cư hoang phế những năm qua.

Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện talkshow ngày 17/11. Ảnh: Phương Uyên

Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện talkshow ngày 17/11. Ảnh: Phương Uyên

Bàn về giải pháp để đề án phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội có thể đi vào hiện thực, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cần có sự chung tay của “bốn nhà” gồm: nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân. Trong đó nhà nước giữ vai trò là đầu tàu, các địa phương chủ động xây dựng rà soát, thực hiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương.

Về phía nhà băng nên xem xét lại câu chuyện lãi suất vay ưu đãi sao cho thực sự “ưu đãi” với nhóm thu nhập thấp. Nhà phát triển dự án dừng tư duy “làm cho xong” mà phải “làm cho tới”. Bởi nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ hệ sinh thái liên quan gồm hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, chợ…

Còn với nhà dân (người mua nhà ở xã hội), bên cạnh sự hỗ trợ của các ban ngành, cần chủ động trong tích lũy, lập kế hoạch tài chính cho việc mua, hiện thực hóa giấc mơ an cư trong bối cảnh thị trường đang chuyển đổi.

Về nâng chất lượng cho nhà ở xã hội, Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, cho biết doanh nghiệp đã có những hành động thiết thực trong việc thay đổi quan điểm về làm nhà ở xã hội. Hướng đến phát triển loại hình này có chất lượng tương đương nhà thương mại. Hoàng Quân cũng vừa giới thiệu bộ tiêu chuẩn E.S.H.C (tiêu chuẩn về phát triển nhà ở xã hội chất lượng cao) sẽ được áp dụng tại tất cả dự án của doanh nghiệp thời gian tới.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường sớm giúp các địa phương triển khai quy chuẩn về nhà ở xã hội, đưa hoạt động phát triển loại hình này vào kế hoạch trong năm tới, tránh hiện tượng mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Để đạt được mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thể chế, quy hoạch lại quỹ đất, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân.

Phương Uyên