Người đàn ông họ Yu (quốc tịch Trung Quốc) khẳng định “vợ bỏ đi, để lại cho anh đứa con gái tên là Qianyi”.
Với phông chữ lớn trên tất cả các video của mình, Yu viết: “Con bé không có mẹ”. Trong một video đặc biệt nhằm lôi kéo sự thương hại, Yu mặc đồng phục màu vàng của ứng dụng giao đồ ăn.
Anh tuyên bố đã giao 43 đơn hàng cùng với Qianyi và kiếm được 300 nhân dân tệ (hơn một triệu đồng) chỉ trong một ngày. Với số tiền, anh có thể mua cho con gái những món ăn ngon.
Yu kêu gọi người xem nhấn thích video cho mình và tiết lộ anh đã vô tình làm mặt của con gái bị thương trong khi làm việc.
Yu bịa chuyện là bố đơn thân, phải làm shipper giao hàng cùng con gái (Ảnh: SCMP).
Tài khoản mạng xã hội của anh thu hút hơn 400.000 người theo dõi, sản xuất hơn 100 video tương tự và kiếm lợi nhuận từ việc phát trực tiếp. Tất cả đều dưới vỏ bọc hỗ trợ sinh kế cho con gái anh ta.
Ngày 3/12, cảnh sát báo cáo người đàn ông này đã khai man về lý lịch của mình. Anh không phải là nhân viên giao hàng cũng không phải bố đơn thân và mẹ của Qianyi vẫn “sống hạnh phúc” với họ. Bộ đồng phục anh mặc trong video được mua online (trực tuyến) trước đó.
Cảnh sát đã phạt Yu vì tội gây rối trật tự công cộng, không tiết lộ chi tiết về hình phạt.
Theo Luật xử phạt của Cơ quan công an Trung Quốc, hành vi cố ý gây rối trật tự công cộng bằng cách lan truyền tin đồn có thể bị giam giữ tới 10 ngày và phạt 500 nhân dân tệ (hơn 1,7 triệu đồng).
Yu bị phạt vì tội gây rối trật tự công cộng – hành vi này có thể bị giam giữ tới 10 ngày và phạt 500 nhân dân tệ (Ảnh: Douyin).
Yu không phải người đầu tiên bị phạt vì tội “câu like” bằng chuyện đau khổ. Đầu năm, một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã bị kết án 11 tháng tù và phạt 80.000 nhân dân tệ (gần 280 triệu đồng) vì nói dối về cuộc sống nghèo khó của mình.
Người này 21 tuổi, tự hào có gần 4 triệu người theo dõi, cho biết chăm sóc anh chị em của mình và sống bằng khoai tây sau khi cha mẹ họ qua đời. Sau đó, cộng đồng mạng phát hiện ngôi nhà đổ nát xuất hiện trong video của cô thực chất là nơi trú ẩn cho dê và gia súc, cha mẹ cô vẫn còn sống.
Ngoài ra, cô còn bị phát hiện mặc quần áo và đồ trang sức xa xỉ bên ngoài các buổi phát trực tiếp của mình.
Cảnh sát đã điều tra và phát hiện một công ty mạng đa kênh chuyên tạo ra những tài khoản “kiếm tiền từ lòng thương hại” như vậy.
Chủ sở hữu công ty thường bán các sản phẩm nông nghiệp giả thông qua các tài khoản này, tạo lợi nhuận hơn 10 triệu nhân dân tệ (hơn 34 tỷ đồng). Người này bị kết án 14 tháng tù và bị phạt 100.000 nhân dân tệ (gần 350 triệu đồng).
“Tôi không tin vào những video “kiếm tiền từ lòng thương hại” như vậy. Những người có cuộc sống thực sự khó khăn không có thời gian để trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng và làm video mỗi ngày”, một người xem bình luận.
“Những kẻ nói dối như thế này lợi dụng lòng tốt của mọi người và ngăn cản những người thực sự cần được giúp đỡ”, một người khác nói.