Bộ Công an có trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai về xử lý thông tin xấu độc
Tình trạng thông tin xấu độc trên mạng xã hội ngày càng phức tạp
Cử tri tỉnh Đồng Nai đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng. Hiện nay, tình trạng thông tin trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, nhiều trang mạng có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật, phát tán video phản cảm vi phạm đạo đức truyền thống gia đình, quảng cáo các loại thuốc trên Facebook không đúng thực tế,…
Tin xấu độc, la đảo trên mạng diễn biến phức tạp
Trả lời nội dung này, Bộ Công an nêu rõ thời gian qua, tình trạng đăng tải, phát tán các thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, la đảo nhằm chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp. Việc này tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế xã hội, đặt ra nhiều thách thức mới với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Loạt giải pháp phòng ngừa, đấu tranh
Trước tình trạng trên, Bộ Công an đã, đang, sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Trong đó, chủ động rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng Internet, mạng xã hội, báo chí theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều này giúp phục vụ phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm, bạo lực, xuyên tạc, vu khống, la đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các phương thức hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.
- Quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp, các điều ước quốc tế.
- Tăng cường nắm tình hình, giám sát chặt chẽ các mục tiêu thường xuyên đăng tải thông tin xấu độc trên không gian mạng để xây dựng phương án, đối sách; tổ chức xác minh, truy tìm các đối tượng đăng tải để đấu tranh, xử lý.
- Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện; đồng thời chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội.
- Trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, góp phần "miễn dịch" với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng.